Hiện nay trên cả nước có hàng nghìn trang trại nuôi gà với số lượng lớn với nhiều mục đích như nuôi gà lấy thịt, nuôi gà bán con giống, nuôi gà lấy trứng,… Có thể thấy, gà đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong ngành chăn nuôi nước nhà. Nhiều người lựa chọn nuôi gà vì giá trị kinh tế nhưng nuôi gà không hề dễ dàng vì đây là loài vật dễ mắc bệnh. Có rất nhiều loại bệnh trên gà đã được phát hiện và có nhiều bệnh rất nguy hiểm dẫn đến cái chết hàng loạt. Bệnh viêm gan virut thể vùi ở gà là nỗi ám ảnh của nhiều người chăn nuôi. Chúng tôi sẽ nói về căn bệnh này thông qua bài viết sau đây, hi vọng bà con có thể nắm rõ bệnh này và cách điều trị, phòng ngừa nó.
Mục Lục
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan virut thể vùi
Bệnh viêm gan thể vùi là một bệnh truyền nhiễm do Adenovirus gây ra. Bệnh có tên khoa học là Hepatitis Avium (viết tắt IBH), đặc trưng với các bệnh chứng thiếu máu, xuất huyết và viêm gan. Trong thời gian qua bệnh viêm gan thể vùi đã xuất hiện trên một số đàn gà làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi.
Adenovirus có 3 chủng gây bệnh ở gà:
+ Chủng 1: là căn nguyên gây các bệnh
– Bệnh viêm đường hô hấp nhẹ
– Bệnh viêm gan thể vùi.
– Bệnh Angara (bệnh gây viêm gan kèm theo tích nước bao tim).
+ Chủng 2: gây vệnh viêm ruột chảy máu ở gà Tây.
+ Chủng 3: bệnh sụt trứng, giảm đẻ ở gà- EDS.
Do nhiều lý do khác nhau về cách nhìn bệnh, các nhà khoa học hiện nay đang gộp bệnh viêm gan thể vùi và bệnh Angara thành chung 1 bệnh gọi là viêm gan virus gà (virus hepatitis gallinarum).
Cách nhận biết bệnh chính xác
Đặc điểm dịch tễ: Bệnh thường thấy ở gà từ 1- 20 tuần tuổi và nặng nhất là gà từ 2- 6 tuần. Bệnh có tính thời vụ rõ rệt, thường xuất hiện chủ yếu vào mùa hè, tất cả các giống gà đều có thể mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh thấp khoảng 20- 30% trên tổng đàn, trong đó tỷ lệ chết thường ở mức 1- 10%. Nếu bị ghép với các bệnh khác thì tỷ lệ chết cao hơn khoảng 20-30%. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, lây dọc từ mẹ truyền sang con qua phôi trứng.
Chẩn đoán phân biệt
Dấu hiệu lâm sàng có thể được quan sát chỉ vài giờ trước khi xảy ra cái chết. Gà bệnh mào tích nhợt nhạt, lười vận động, ủ rũ.
Những xuất huyết điểm tại vùng cơ, nhưng khác hẳn với Gumboro (IBD), số lượng xuất huyết ít và không có các biểu hiện tại các cơ quan khác như tùi Fabricius, dạ dày tuyến. Phân biệt với thiếu máu truyền nhiễm ở gà CIA. Chẩn đoán dựa trên các bệnh tích điển hình trên gan.
Triệu chứng và bệnh tích
Triệu chứng: Bệnh xảy ra hết sức đột ngột, diễn biến nhanh, trong đàn một số gà có biểu hiện ủ rũ, xù lông, rụt cổ, lười đi lại. Một số con phần da bụng không có lông chuyển sang màu xanh tím, bại chân, yếu dần rồi chết. Trong khi đa số đàn gà vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Số gà chết tăng nhanh, nhưng chỉ sau 5-7 ngày đàn gà trở lại khỏe mạnh, ăn uống bình thường.
Bệnh tích: Màu sắc cơ đùi, cơ ngực nhợt nhạt như thịt luộc, xuất huyết thành vệt hoặc thành mảng; Lách teo quắt lại; gan sưng to dễ vỡ và có nhiều điểm xuất huyết hoặc hoại tử ở ngay dưới màng gan.
– Hai ống dẫn nước tiểu chứa đầy urat trắng.
– Túi Fabricius sưng mọng to hoặc teo quắt.
– Tim bơi trong bao nước thẩm xuất đặc, màu hơi vàng.
– Tủy xương nhợt nhạt có màu vàng xám, chức năng tạo máu giảm.
Mách bạn các biện pháp phòng bệnh
Bệnh viêm gan virus thể vùi ở gà chưa có vacxin phòng bệnh. Cần phải thực hiện tốt các biện pháp sau:
Chọn giống và điều kiện chuồng nuôi
– Chỉ mua gà ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không mắc các bệnh truyễn nhiễm.
– Nuôi nhốt gà, không nuôi chung nhiều loại gà; chuồng nuôi luôn phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông , dễ vệ sinh khử trùng tiêu độc; sân thả gia cầm phải khô ráo, sạch sẽ, có tường bao quanh; định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi (01 lần/tuần) bằng các loại hóa chất như: Vôi bột, Han-Iodine, Benkocid…, phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng; trước cửa khu ra vào, cửa chuồng phải có hố sát trùng.
Cách chăm sóc, nuôi dưỡng
Không nhốt chung gà mới mua về với gà đang nuôi, cần nuôi cách ly trong vòng 10-15 ngày để theo dõi sau mới cho nhập đàn. Cho ăn đủ khẩu phần tùy theo lứa tuổi và từng giai đoạn phát triển của gà, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, sử dụng thức ăn rõ nguồn gốc. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, các chất điện giải chống mất nước và chống stress. Cung cấp nước uống sạch, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong suốt quá trình chăn nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gà để phát hiện những con ốm, yếu loại thải ra khỏi đàn.
Cách phòng bệnh
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gà theo quy trình chăn nuôi và theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt chú trọng phòng bệnh Gumboro và Marek là góp phần quan trọng làm giảm mức độ phát triển bệnh viêm gan.
Cách trị bệnh
Bệnh do vi rút gây ra nên không có kháng sinh điều trị bệnh. Khi bị bệnh nên sử dụng các sản phẩm nâng cao sức đề kháng như: Bổ gan, thận; vitamin K, C sau đó kết hợp điều trị bệnh ghép, chú ý không nên sử dụng kháng sinh ngay sẽ làm độc cho gan, thận.