Trong quá trình chăn nuôi không thể tránh khỏi những trường hợp vật nuôi mắc bệnh. Việc chăn nuôi trâu, bò có rất nhiều khó khăn. Bởi khi nuôi trâu, bò, người nuôi cần phải đi theo chúng vào những lúc chúng ra ruộng, cánh đồng. Do đó, tỉ lệ mắc bệnh ở những con vật này là không thấp. Người chăn nuôi cần phải chú ý hơn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Nếu việc chăm sóc tốt sẽ có thể giúp vật nuôi ít mắc bệnh hơn. Hoặc là nếu mắc bệnh thì việc chữa bệnh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chắc chắn những người nuôi trâu, bò sẽ biết đến căn bệnh cước chân ở trâu, bò bởi đây là căn bệnh phổ biến. Bạn có thể tham khảo các biện pháp và điều trị sau có thể chữa trị nhanh nhất căn bệnh.
Mục Lục
Bệnh cước chân ở trâu, bò là gì?
Bệnh cước chân là bệnh sưng thũng chân do co thắt mao mạch ngoại vi ở chân trâu, bò. Nó thường phát sinh vào các tháng mùa đông và đầu mùa xuân khi thời tiết lạnh ẩm kéo dài ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Bệnh không gây chết nhưng làm cho trâu bò không đi lại được. Nó ảnh hưởng đến lao tác (cày bừa, kéo xe, kéo gỗ). Bệnh này có thể tiến triển thành hoại thư chân và buộc phải xử lý.
Nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này?
Bệnh gây ra do thời tiết lạnh ẩm kéo dài. Nó làm cho mạng mao mạch ngoại vi ở chân các loài súc vật móng guốc chẵn co lại. Từ đó, làm gây tắc nghẽn mạch máu. Khi mạch máu tắc nghẽn kéo dài trong điều kiện nhiệt độ dưới 100C thì huyết tương từ mao mạch xuất tiết ra ngoài, tạo ra các đám sưng thũng ở dưới da chân súc vật, ngày càng căng to khiến cho con vật đau đớn, đi lại khó khăn hoặc không đi lại được, nằm một chỗ. Khi trời mưa, chuồng trại ẩm ướt, trâu bò phải đứng trong nền chuồng lạnh và lầy lội thì bệnh cước chân sẽ tăng lên nhanh, có thể tới 25 – 30% đàn bò.
Nếu thời tiết tiếp diễn lạnh kéo dài từ 3-5 ngày thì hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị tắc nghẽn dẫn đến phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân làm cho trâu, bò bị đau đớn không đi lại được. Hiện tượng đó gọi là bệnh cước chân ở trâu, bò.
Các triệu chứng thường gặp
Chân trâu, bò sưng ở độ nhẹ có hiện tượng đi chậm chạp, khập khiễng không vững có thể sưng ở một chân hoặc hai chân. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ trở lên trầm trọng. Nó có thể làm cho chân trâu, bò bị phù nề, dịch xuất tiết nhiều gây sưng tấy, nhiều vết tím đỏ, hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng, hệ thống mao mạch ở vùng bàn chân bị tắc làm cho vùng da xung quanh móng và bàn chân bị hoại tử dẫn đến chân trâu, bò bị nhiễm trùng kế phát khiến cho trâu, bò không đứng dậy đi lại được. Nếu vết thương bị nặng, sâu sẽ làm cho trâu, bò què nằm tại chỗ.
Những biện pháp phòng bệnh cước chân trâu, bò
Bệnh cước chân ở trâu, bò không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Lở mồm long móng (LMLM). Nhưng bệnh có thể xảy ra hàng loạt và ảnh hưởng đến sức cày kéo, đi lại của trâu, bò. Từ đó làm giảm tăng trọng, giảm sức đề kháng và dễ gây nhiễm các bệnh kế phát. Để phòng bệnh cước chân ở trâu, bò bà con chăn nuôi nói chung, các xã miền núi nói riêng cần đưa trâu bò về chuồng nuôi và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:
Vệ sinh chuồng
– Chuồng trại: Đảm bảo đủ ấm, cao ráo, sạch sẽ, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt: Củi, trấu, mùn cưa,… để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý: cần có lối thoát khói ra ngoài để tránh ngạt).
-Thường xuyên quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác ủ vào nơi qui định. Đồng thời, định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi 01 lần/ tuần. Người nuôi có thể dùng các hóa chất như: Benkocid, Han- Iodine, ViA- Iodine,… để vệ sinh.
Bổ sinh chất dinh dưỡng
– Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng: Trồng cỏ, ngô dày, dây khoai lang trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang để làm thức ăn. Bổ sung thêm tinh bột (cám gạo, ngô, khoai, sắn ..) với lượng 1,5-2,0kg/con/ ngày, cho uống đủ nước ấm pha muối với lượng 25-30g/ con/ ngày. Có kế hoạch chế biến, tích trữ thức ăn cho trâu, bò khi thức ăn thô xanh khan hiếm. Một số loại thức ăn như rơm khô, cỏ khô, thức ăn ủ urê, thức ăn ủ chua ( cỏ voi, lá sắn, dây khoai lang,..) Có chế độ chăn thả hợp lý: Không chăn thả trâu, bò vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ dưới 120C, cần mặc áo ấm cho trâu, bò bằng bao tải gai hoặc vải bạt…
– Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trâu, bò như: Bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, bò trước mùa mưa rét .
Phương pháp điều trị bệnh cước chân trâu, bò
Khi trâu, bò bị cước chân cần phải rửa sạch, lau khô chân, sau đó dùng gừng hoặc giềng dã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải chườm 02 lần/ngày vào chỗ sưng để tan máu tụ nhằm lưu thông mạch máu trở lại. Nếu chỗ cước chân bị nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím 1%. Sau đó rắc kháng sinh (bột Tetracylin) hoặc Sunfamid.
Trong trường hợp trâu, bò bị cước chân nặng thì cần phải cắt bỏ những tổ chức hoại tử. Rồi sau đó mới điều trị bệnh. Tiêm bắp một trong các loại kháng sinh sau: Ampicillin 10 – 15 mg/kg TT/ngày hoặc Colinorxacin 1ml/10 kg TT/ngày hoặc Pen- Strep 5.000- 10.000 UI/ kgTT/ngày. Kết hợp trợ sức, trợ lực: TiêmbắpCafêin, Bcomlex 4 ml/100 kg thể trọng. Hoặc bổ sung Vitamin C nhằm nâng cao sức đề kháng. Điều trị liên tục 5 – 7 ngày sẽ khỏi bệnh.
Trên đây là các biện pháp phòng và điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò. Mong bà con chăn nuôi lưu ý và thực hiện tốt các biện pháp trên. Những điều trên đảm bảo sức khỏe cho trâu, bò nhà mình trong những ngày giá rét.