Cà phê được xem là loại cây trồng chính ở rất nhiều vùng cao trên đất nước ta, đây cũng chính là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang đến giá trị xuất khẩu cao cho nền kinh tế. Trong những năm gần đây, việc trồng cây cà phê luôn được cải tiến không ngừng để có thể cho ra những hạt cà phê chất lượng và thơm ngon nhất. Tuy nhiên trong quá trình trồng loại cây này vẫn xuất hiện rất nhiều loại sâu bệnh, côn trùng,… phá hoại khiến cho người nông dân vô cùng đau đầu, trong đó nổi bật nhất là loài rệp sáp. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn phòng và trừ rệp sáp trên lá, quả, gốc rể của cây cà phê một cách hiệu quả nhất mà bạn nên tham khảo.
Mục Lục
Rệp sáp hại quả và lá của cây cà phê
Rệp sáp loại này thường tập trung ở cuống chùm quả, cuống lá của cây cà phê. Tác hại của rệp rõ nhất trong các tháng hè thu: Các bộ phận bị hại héo nhẹ, úa vàng và rụng. Sang cuối hè thì nấm muội bắt đầu phát triển mạnh hơn. Lúc này, chúng sẽ bắt đầu làm ảnh hưởng xấu đến quang hợp của cây. Đến mùa đông thì rệp sáp sẽ ít phát triển hơn. Những con cái trưởng thành trú ẩn trong các kẽ lá, búp hoa hoặc dưới lá già. Nhờ lớp sáp phủ trên mình nên rệp chống được lạnh.
Cách phòng trừ:
– Cần tiến hành rà soát để phát hiện và tìm ra cách tiêu diệt rệp sáp sớm. Bởi vì khi rệp đã có lớp sáp trên mình thì các dung dịch thuốc sâu khó thấm vào mình rệp. Lúc này, việc trừ rệp sáp ra khỏi cây sẽ trở nên khó khăn hơn.
– Cuối vụ xuân, khi trứng rệp nở và rệp non bò đi tìm nơi cư trú thì nên tiến hành phun thuốc Supracid 25 E (pha 0,1%).
– Cắt tỉa cành hợp lý một cách thường xuyên để tạo thông thoáng và ít ẩm ướt cho vườn cà phê.
Rệp sáp hại gốc và rễ của cây
Rệp sáp hại gốc sẽ sống và sinh sản trong đất. Chúng bám vào vỏ rễ và tạo thành 1 lớp đất keo bao bọc xung quanh rễ. Chính sự xuất hiện của lớp đất keo này mà nước không thấm vào ổ rệp. Nơi rệp sống có 1 loại nấm phát triển. Lúc này, cây cà phê bị hại bộ rễ nên dần dần sẽ trở nên vàng héo. Rệp sáp này hại rất nhiều cây, kể cả cỏ dại và cây trồng hàng năm như lạc, sắn, khoai lang,…
– Cách phòng trừ: Theo dõi những cây cà phê bị héo hơi vàng. Sau đó tiến hành bới đất để quan sát bộ rễ của cây. Nếu thấy chớm có rệp thì phải kiểm tra tất cả những cây nghi ngờ. Đồng thời nên tiến hành xử lý từng cây một nếu phát hiện thấy rệp.
– Cách xử lý: Bới đất xung quanh gốc thành hình phễu có đường kính 25 – 30cm, sâu 15 – 20cm. Sau khi bới đất lên thì ổ rệp dưới gốc cây sẽ lộ rõ ra. Dùng dung dịch Supracid 25 E pha 0,2% tưới vào gốc. Tuỳ theo cây lớn hay nhỏ mà tưới từ 1 đến 4 lít dung dịch thuốc. Sau vài ngày thì mới nên lấp đất lại.