Các loại cây có múi như cam, chanh,… thường rất dễ mắc bệnh ghẻ nhám làm suy giảm sức sống và tăng trưởng của cây. Chính vì vậy đối với những hộ nông dân trồng các loại cây này, việc tìm hiểu về bệnh ghẻ nhám chính là một bước không thể nào thiếu được. Người trồng cần phải nắm rõ được điều kiện phát sinh bệnh, triệu chứng, cách phòng và trị,… để từ đó có thể phát hiện kịp thời và đưa ra các phương pháp phòng tránh hoặc trị dứt điểm bệnh này. Nếu không có hiểu biết nhất định về căn bệnh này thì nó sẽ nhanh chóng tàn phá và làm giảm năng suất, chất lượng quả sau này. Do đó bạn hãy nhanh chóng tham khảo bài viết chia sẻ những thông tin và cách phòng trừ bệnh ghẻ nhám sau đây nhé!
Mục Lục
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ nhám
Bệnh ghẻ nhám do nấm Elsinoe fawcetti gây ra. Bệnh này có thể gây hại trên cành non, trái non và đọt non. Trên lá, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ mất màu, trong mờ nhô ra ở mặt dưới lá. Sau đó chúng sẽ biến thành các mụn nhỏ như mụn ghẻ và có màu nâu. Lá bệnh ghẻ nhám sẽ bị cong ngược về một phía, vặn vẹo và bị biến dạng.
Triệu chứng của bệnh ghẻ nhám trên cam, chanh
Nếu bị nặng, lá cây sẽ có màu vàng và bị rụng sớm. Bệnh ghẻ nhám gây hại trên quả làm vỏ quả nổi nhiều gai sần sùi, màu nâu xám, rời rạc hoặc nối lại thành mảng lớn bất dạng (phân biệt vỏ quả bị nhện hại không nổi gai).
Trên cành, vết bệnh cũng nhô lồi lên như trên lá, cành bị sần sùi có các vẩy màu vàng. Cành non bị mắc phải bệnh này thì có thể bị khô chết. Tùy theo sự sinh trưởng của lá, vết bệnh mở rộng và hóa bần (Vết bệnh nổi lên là do mô phát triển không bình thường gây ra bởi tác động của một số chất hóa học của nấm ký sinh tiết ra. Còn mô hóa bần là phản ứng tự vệ của ký chủ chống lại nấm ký sinh). Vết bệnh trên quả chanh và cam sành thường nhô cao hơn quả cam mật.
Quá trình xâm nhập và phát triển của nấm bệnh
Nấm bệnh lưu tồn chủ yếu trên lá và cành non đã nhiễm bệnh. Sau đó chúng sẽ theo gió và nước mưa để lây lan qua những lá mới. Bệnh ghẻ nhám phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa. Bệnh này sẽ tấn công mạnh nhất ở giai đoạn cây ra đọt non, cành non hoặc quả non.
Nấm gây bệnh có thể xâm nhập trực tiếp hoặc qua vết thương. Sau khi xâm nhập từ 3 đến 10 ngày thì đã có thể hình thành vết bệnh. Nhiệt độ cao (>28°C) là yếu tố tốt nhất để kìm hãm bệnh. Bệnh này sẽ phát sinh nhiều trên các vườn cây thiếu chăm sóc. Bệnh gây hại phổ biến nhất trên chanh, cam mật, cam xoàn và cam sành.
Biện pháp phòng trừ bệnh ghẻ nhám
– Tránh trồng những cây con bị bệnh từ trước.
– Không trồng cây với mật độ quá dày. Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán cho vườn cây thông thoáng.
– Vườn ươm, vườn trồng phải cao ráo, tránh đọng nước.
– Cắt bỏ cành lá bệnh và mang ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế mầm bệnh lây lan.
– Tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục. Bón phân cân đối hợp lý theo từng giai đoạn để tránh ra đọt non liên tục. Giảm lượng phân đạm bón cho cây và ngưng phun phân bón lá lúc cây đang bệnh.
– Khi trong vườn có bệnh xuất hiện không nên tưới nước thẳng lên tán cây. Bởi vì như vậy sẽ làm cho mầm bệnh lây lan mạnh. Chỉ nên tưới vào gốc cây và lưu ý rằng không nên tưới đẫm nước.
– Đối với bệnh ghẻ, sử dụng các loại thuốc gốc đồng như: Funguran, CỌC 85, Norshield 86.2WG,… Nên phun trong giai đoạn chồi non mới nhú hoặc vừa tượng quả.
– Nếu áp lực nguồn bệnh quá cao nên phun các loại thuốc như: Benomyl 50 WP, Plant 50 WP… Phun khoảng từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Nên chú ý đảm bảo thời gian cách ly để an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.