Thời tiết giao mùa là lúc mà nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, mưa nắng bất thường. Hệ miễn dịch của con người hay các loài động vật yếu kém thì rất dễ mắc bệnh. Thời gian này là vào giao mùa thu, không khí ẩm ướt, các loại virus sinh sôi, nảy nở rất nhanh chóng. Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà đang bùng phát rất nhanh vào thời điểm này. Chính vì thế, bà con cần nắm được các nguyên nhân và triệu chứng để có những biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo cho đàn gà được khỏe mạnh không gây thiệt hại đến kinh tế. cùng tham khảo ngay bài viết sau dưới đây nhé.
Mục Lục
Thông tin về bệnh viêm phế quản ở gà
Bệnh viêm phế quản ở gà là gì?
Bệnh viêm phế quản (IB) là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng trên gia cầm, bệnh được mô tả lần đầu vào năm 1931 tại Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh là do Corona virus (ARN virus) gây ra. Đây là bệnh gây thiệt hại kinh tế rất lớn, bệnh xảy ra quanh năm và trên mọi lứa tuổi ở gà, với tỷ lệ mắc bệnh 50 – 100%, gây chết 0 – 25%. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với gà con dưới 1 tháng tuổi, và gây thiệt hại nghiêm trọng gà nuôi lấy trứng giống và trứng thương phẩm.
Nguyên nhân cơ bản xảy ra bệnh
IB là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do Coronavirus gây ra, vi-rút này có nhiều týp huyết thanh khác nhau. Bệnh gây rối loạn hô hấp nghiêm trọng, viêm thận và giảm sản lượng cũng như chất lượng trứng. Bệnh thường xảy ra khi gà bị lạnh, chăm sóc nuôi dưỡng kém, bệnh lây trực tiếp từ gà bệnh sang gà khỏe hoặc từ trại này sang trại khác qua đường hô hấp, tiêu hóa, phân, dụng cụ chăn nuôi đã nhiễm mầm bệnh. Gà mọi lứa tuổi đều mắc bệnh nhưng bệnh thường nặng hơn trên gà con.
Những triệu chứng xảy ra khi gà mắc bệnh
Thời gian nung bệnh từ 18-36 giờ, tùy theo độc lực vi-rút và đường xâm nhập. Bệnh trên đường hô hấp: xảy ra trên gà mọi lứa tuổi, với các triệu chứng ho, thở hổn hển, âm ran, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt và sưng mặt cùng với các triệu chứng chung như sốt, uể oải và gom tụ chồng lên nhau xung quanh nguồn nhiệt, giảm ăn và giảm uống… Bệnh lây lan rất nhanh trong đàn, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 100%, trên gà con mới nở tỷ lệ chết có thể lên đến 30%, đặc biệt là những đàn không có kháng thể mẹ truyền. Trên những gà lớn hơn 6 tuần tuổi thì triệu chứng nhẹ hơn và thường không xuất dịch ở mũi.
Bệnh trên cơ quan sinh sản: giảm sản lượng trứng và chất lượng trứng trên gà đẻ, đôi khi đi kèm với các triệu chứng hô hấp. Sản lượng trứng giảm lên đến trên 50%, trứng méo mó dị hình, vỏ mỏng hoặc nhăn gợn sóng, nhạt màu. Lòng trắng trứng mất tính nhớt, lòng đỏ trôi nổi tự do. Nếu gà bị nhiễm bệnh từ lúc còn rất nhỏ thì ống dẫn trứng sẽ bị ảnh hưởng và nó phát triển không bình thường. Thể viêm thận cũng có thể thấy trên gà đẻ.
Thể viêm thận: thường thấy ở gà giò (từ 3-6 tuần tuổi): suy nhược, xù lông, uống nhiều nước, tiêu chảy phân trắng có nhiều nước có thể đi kèm với triệu chứng hô hấp.
Sự lây lan của virus
IB là rất dễ lây lan. Thời kỳ ủ bệnh tương đối ngắn (18 – 36 giờ), việc lây lan ra toàn đàn chỉ trong một hoặc hai ngày. Virus IB được lan truyền theo chiều ngang bằng đường không khí. Thông qua các dụng cụ chăn nuôi, thức ăn nước uống và các thiết bị chăn nuôi khác. Cho đến nay việc lây truyền dọc (từ gà mẹ tới gà con thông qua trứng) chưa được xác nhận. Tuy nhiên, nhiễm bẩn ở bề mặt của vỏ trứng với virus IB là một cách để virus có thể lây lan và tồn tại trong trại giống. Thông gió kém, nhiệt độ cao sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Cơ chế gây bệnh
IBv sau khi xâm nhập vào cơ thể nó khu trú và nhân lên nhanh chóng tại đường hô hấp trên. Gây ra các bệnh tích ban đầu như các tế bào tăng sinh, các vết xuất huyết nhẹ cũng bắt đầu xuất hiện. Bắt đầu có những triệu chứng lâm sàng và bệnh tích điển hình của bệnh. Sau một thời gian ngắn, virus có thể được tìm thấy trong thận, đường sinh sản. Một số chủng IBv gây tổn thương ở thận đặc biệt là gà thịt.
Bệnh tích của bệnh viêm phế quản
Trên cơ quan hô hấp khí quản và phổi có nhiều chất nhầy, túi khí viêm dày đục, có thể xung huyết ở phổi. Trên cơ quan sinh sản: ống dẫn trứng phát triển không hoàn toàn hoặc không phát triển trong trường hợp gà bị nhiễm bệnh từ nhỏ đến khi gà trưởng thành, trứng rụng vào xoang bụng. Thận viêm, sưng, ống thận chứa đầy urate, viêm thận kẽ.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách phòng và trị bệnh cầu trùng ở gà
Chẩn đoán lâm sàng
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Chẩn đoán dựa vào triệu chứng và bệnh tích như bệnh lây lan rất nhanh. Với các triệu chứng hô hấp, năng suất và chất lượng trứng giảm. Để chẩn đoán chính xác bệnh cần phải sử dụng các xét nghiệm phòng thí nghiệm như phản ứng ELISA; phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI), trung hòa vi-rút. Và phản ứng RT PCR, phân lập vi-rút với các mẫu bệnh phẩm: huyết thanh, phế quản, phổi, chất tiết đường hô hấp, thận, ống dẫn trứng.
Cách phòng trị bệnh hiệu quả
Đây là bệnh do vi-rút, chưa có thuốc đặc trị do đó phòng bệnh là chủ yếu. Có thể dùng kháng sinh để tránh phụ nhiễm. Cung cấp các chất điện giải trong trường hợp gà bệnh thể viêm thận. Cần áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng một cách nghiêm ngặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lò ấp trứng… bằng các chế phẩm như Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại, BKA chuồng trại…
Gà giống phải được mua từ các cơ sở không mắc bệnh; phải được cách ly theo dõi ít nhất 1 tuần. Xử lý tốt xác chết, phân và chất độn chuồng. Nên loại thải gà đẻ bị mắc bệnh. Quản lý chăm sóc đàn tốt, chuồng trại thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ thích hợp. Và vệ sinh thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ tránh nhiễm bẩn. Sử dụng các chế phẩm phòng chống stress cho gà nhất là lúc giao mùa, chuyển chuồng, tiêm phòng… như VITA-ELECTROLYTES, NAVET-VITAMIN C…
Phòng bệnh bằng vắcxin được xem là biện pháp chủ yếu. Có 2 loại vắc xin: vắc xin vô hoạt thường dùng cho gà đẻ với đường tiêm bắp thịt (thịt ức); hoặc dưới da vùng cổ, vắcxin sống nhược độc dùng cho gà con; gà giò bằng đường nhỏ mắt, nhỏ mũi, khí dung, cho uống.