Cá kèo là một trong những loại cá được nuôi nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng cung cấp một lượng cá kèo lớn ra cả nước. Loài cá này theo nghiên cứu có giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó cá có thịt trắng, hương vị đặc trưng riêng nên rất được người dân yêu thích. Hiện nay có rất nhiều món ăn ngon được nấu từ cá kèo. Trong quá trình nuôi cá kèo do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cá có mắc một số bệnh đặc trưng. Để đảm bảo cá phát triển tốt bà con nên tiến hành các biện pháp phòng bệnh.
Mục Lục
Bệnh trên cá kèo gây hậu quả nghiêm trọng
Cá kèo hiện nay đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Hàng năm có thêm nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi cá kèo. Bên cạnh đó do môi trường sống đặc trưng là nước lợ, bùn nên cá kèo cũng khá dễ mắc bệnh. Các bệnh này đều diễn biến nhanh đôi khi ảnh hưởng đến cả đàn cá. Chính những điều này đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho bà con nông dân.
Giới thiệu nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng một số bệnh trên cá Kèo: bệnh tuột nhớt, bệnh trắng đuôi, bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas.
Tổng hợp các loại bệnh
Bệnh tuột nhớt có khả năng lây lan cao
– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra. Bệnh phát sinh do cá bị sây sát trong đánh bắt, vận chuyển hoặc do môi trường nước thay đổi đột ngột. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh giữa các cá thể trong cùng 1 ao và giữa các ao.
– Triệu chứng: toàn thân bao phủ một lớp nhớt màu trắng đục. Cá tách đàn, bơi lờ đờ, bỏ ăn. Khi bệnh nặng, mình cá lở loét, vây rách nát, sau đó cá chết rất nhanh.
– Phòng bệnh
+ Luôn giữ môi trường nước trong ao sạch, không bị ô nhiễm. Chọn giống khỏe, vận chuyển đúng quy trình để cá khỏe, không bị sây sát.
+ Nếu nuôi thâm canh, định kỳ 10 -15 ngày xử lý nước và đáy ao bằng các chế phẩm vi sinh.
+ Đảm bảo đầy đủ thức ăn cho cá phát triển khỏe mạnh, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng.
– Trị bệnh
+ Biện pháp xử lý đầu tiên khi cá nhiễm bệnh là thay 20-30% nước trong ao bằng nguồn nước sạch, vệ sinh xung quanh ao. Dùng thuốc diệt khuẩn xử lý nước trong ao. Dùng thuốc điều trị trộn vào thức ăn theo đúng liều lượng.
+ Rải vôi sát khuẩn bờ ao, tránh lây lan rộng. Không dùng chung dụng cụ chăm sóc của ao bị nhiễm bệnh với ao chưa bị nhiễm bệnh.
– Chú ý: Không dùng kháng sinh để phòng bệnh. Nếu phải điều trị bệnh bằng kháng sinh thì ngưng sử dụng thuốc 4 tuần trước khi thu hoạch.
Căn bệnh trắng đuôi trên cá kèo
– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra.
– Triệu chứng: trên đuôi có các đốm trắng, sau đó lây lan đến vây lưng, vây hậu môn. Dần dần đuôi và vây bị xuất huyết, rách nát. Khi bệnh nặng, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ, đầu chúi xuống hoặc treo lơ lửng trên mặt nước.
Bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas trên cá kèo
– Nguyên nhân: Do các vi khuẩn Aeromonas (A.hydrophil, A. caviae, A. sobria) gây ra. Bệnh phát sinh khi môi trường ô nhiễm, oxy hòa tan thấp, nuôi mật độ dày. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm.
– Triệu chứng: Mình cá có những mảng đỏ với nhiều khối u, bụng có từng vùng sẫm màu, lưng có nhiều vết thương, đuôi và vây bị hoại tử, mắt đục, lồi, sưng phù, hậu môn sưng to. Cá bỏ ăn, nổi nghiêng hoặc nổi đứng lờ đờ trên mặt nước.