Hiện nay trong chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng, vai trò của ánh sáng rất quan trọng, chúng ảnh hưởng khá nhiều lên đến tốc độ tăng trưởng, lượng thức ăn, tỷ lệ tử vong, cũng như hiệu suất chuyển hóa và phúc lợi gà thịt. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, vẫn có nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm, thường không chú ý quan tâm đến tác dụng của ánh sáng, hay sử dụng chế độ chiếu sáng sai cách khi chăn nuôi gia cầm. Chính vì vậy, việc trang bị một chương trình cùng tiêu chuẩn chiếu sáng phù hợp rất cần thiết, nhất là trong mô hình nuôi gà thịt.
Mục Lục
Ánh sáng tác động đến gia cầm
Ánh sáng tác động đến hành vi cắn mổ nhau, ăn thịt đồng loại, chấn thương xương và nằm chất đống ở gia cầm. Đây là mối quan tâm lo ngại hàng đầu về phúc lợi động vật đối với gia cầm. Trong chăn nuôi gà đẻ, nếu được chiếu sáng tốt gà sẽ có bộ lông sáng đẹp. Duy trì tỷ lệ đẻ, tổng lượng trứng, trọng lượng trứng, tỷ lệ sống, tỷ lệ ấp nở ở mức ổn định; giúp tìm được ổ đẻ đúng chỗ, tránh được hiện tượng cắn mổ nhau.
Gà gần như mù màu xanh lá cây, nên sử dụng ánh sáng này khi gà mổ cắn nhau và khi tiêm phòng, dồn đàn, cắt mỏ để tránh đàn gà bị stress nặng. Cường độ ánh sáng tối thiểu 15 lux trong giai đoạn hậu bị là tối ưu cho sự phát triển cơ quan sinh dục và sản xuất trứng tiếp theo. Khi gà đẻ, có thể thấp hơn 30 – 60 lux. Nhưng tối thiểu là 20 lux là đảm bảo phúc lợi. Ðể đơn giản, khi đứng trong chuồng gà nếu đọc được báo hoặc xòe bàn tay ra nhìn rõ gân bàn tay tức là ánh sáng quá mạnh. Nếu không đọc được báo hoặc không nhìn rõ gân bàn tay là cường độ ánh sáng phù hợp.
Chương trình chiếu sáng tiêu chuẩn
Tùy thuộc vào từng độ tuổi, loại gà, giống gà và độ thông thoáng chuồng nuôi khác nhau mà người chăn nuôi gà có chương trình chiếu sáng khác nhau cho phù hợp.
– Gà con mới nở đến 3 tuần tuổi: Không chiếu sáng 24 tiếng liên tục, cứ 22 tiếng chiếu sáng thì có 2 tiếng trong bóng tối. Từ 4 – 7 ngày tuổi, chiếu 21 tiếng + 3 tiếng trong bóng tối.
– 8 – 14 ngày tuổi: Nên chiếu sáng ngắt quãng: Chế độ 4 + 2 (4 tiếng sáng + 2 tiếng tối) xen kẽ nhau.
– Sau 2 tuần tuổi: Chỉ chiếu 10 tiếng/ngày. Sau 3 tuần, chỉ chiếu 8 tiếng/ngày. Khi gà chuẩn bị vào đẻ, tăng mỗi tuần 15 phút/ngày. Ví dụ, gà chuyên trứng từ tuần 16 chiếu 8 tiếng 15 phút; Tuần 17 chiếu 8 tiếng 30 phút, tăng lên như vậy cho đến khi đủ 16 tiếng/ngày. Lưu ý thời điểm bổ sung ánh sáng, tuyệt đối không chiếu sáng bổ sung vào buổi tối và nửa đêm. Tức là không chiếu thêm vào lúc 18 – 20 giờ hàng ngày. Để cho gà ngủ, hormone LH (gây rụng trứng) hoạt động), chỉ chiếu sáng bổ sung sau 2 giờ sáng.
– Gà hậu bị sau 14 ngày tuổi: Không được tăng quá 10 tiếng chiếu sáng/ngày. Còn gà đẻ hàng tuần phải tăng giờ chiếu sáng đạt tiêu chuẩn tối đa 16 tiếng/ngày. Có như vậy mới kích thích thành thục nhanh và đẻ trứng tốt.
Nguyên tắc bổ sung ánh sáng
Cường độ chiếu sáng
Thời gian chiếu sáng phụ thuộc vào nhiều loại hình chuồng kín hay hở, mùa hè hay đông. Ðối với gà nuôi chuồng hở, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho gà. Ðối với gà nuôi chuồng kín, thời gian chiếu sáng 10 – 12 giờ/ngày; với cường độ chiếu sáng 5 – 10 Lux/m hoặc 1 W/m treo cao 2 m. Sử dụng loại bóng đèn ánh sáng vàng. Bắt đầu từ 16 tuần tuổi, mỗi tuần tăng 30 – 60 phút; chiếu sáng đến khi đạt thời gian 16 tiếng/ngày thì duy trì ở mức đó. Cường độ chiếu sáng 5 – 10 Lux hoặc 1 – 2 W/m treo cao 2 m dùng bóng đèn sợi đốt; giữ nguyên như vậy trong suốt quá trình đẻ và không được giảm thời gian chiếu sáng.
Khi chuyển gà lên lồng đẻ, phải tăng thời gian chiếu sáng lên 22 tiếng/ngày. Đồng thời duy trì trong 4 – 7 ngày để giúp gà tìm thấy núm uống, đảm bảo nhu cầu nước uống. Tuy nhiên, nếu duy trì thời gian chiếu sáng trên 22 tiếng trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng gà cắn mổ nhau. Do bị kích thích, hơn nữa gà mái đẻ rất thích mổ hậu môn đồng loại.
Tận dụng ánh sáng mặt trời
Nếu chăn nuôi gà ở môi trường thông thoáng tự nhiên. Vào các buổi sáng mùa nóng cần cho ánh sáng mặt trời rọi vào chuồng để diệt khuẩn, làm khô chất độn và đảm bảo thông khí. Ðối với chăn nuôi gà thịt công nghiệp broiler, chiếu sáng 23 tiếng/ngày. Khi tắt đèn chú ý đề phòng gà tụm lại ngạt thở và bị chết.
Phân bổ đều ánh sáng
Ánh sáng phải được phân bố đều trong chuồng với các đèn chiếu cùng loại công suất để tránh cho gà con thích tụm lại nơi có ánh sáng mạnh hơn. Các thiết bị chiếu sáng trong chuồng chăn nuôi gà phải được lau chùi sạch bụi thường xuyên. Nếu đèn bị bụi bám thì cường độ chiếu sáng sẽ bị giảm 50 – 60%.
Chế độ nhiệt trong chăn nuôi gà cũng rất quan trọng
– Gà con ở giai đoạn dưới 3 tuần tuổi nếu không đủ ấm sẽ tụ lại với nhau, không ăn hoặc ăn rất ít. Dẫn đến gà chậm lớn và tỷ lệ chết cao. Do đó cần duy trìnhiệt độ trong chuồng gần 30 độ C.
– Ở giai đoạn gà sau 4 tuần tuổi, hiệu quả thức ăn cao nhất khi nhiệt độ trong chuồng đạt 24 độ C. Tuy vậy ở Việt Nam điều này khó thực hiện vào mùa hè.
– Gà trống broiler với khối lượng 1,8kg có thể bị chết vì stress nhiệt ở 35 độ C. Lúc đó cần cung cấp đủ nước uống cho gà. Nước uống là yếu tố quan trọng để duy trì sức chịu đựng của gà ở nhiệt độ 44-46 độ C. Ở nhiệt độ giới hạn này thì gà chết hàng loạt.
– Ở nhiệt độ 35 độ C, gà 7 tuần tuổi trở đi sẽ tiêu thụ nước uống tăng lên 4 lít mỗi giờ với 100 gà. Mùa nóng khi gà bị stress nhiệt cần được uống nước sạch; trong mát có pha vitamin C, vitamin nhóm B, đường glucoz và được uống thoả mái.
– Vào mùa nóng, chuồng nuôi phải có hệ thống xả khí lạnh hoặc thông khí (quạt gió) để hạ nhiệt và đẩy nhanh khí độc ra ngoài. Khi nhiệt độ trong chuồng nuôi từ 29 độ C trở lên phải dùng quạt thông gió. Lưu ý bảo đảm 12-13 mét khối không khí trong 1 phút cho 1000 gà.