Cây dứa hay còn được gọi là thơm, được trồng rất nhiều và là một loại trái cây vô cùng phổ biến ở nước ta. Loại trái cây này cũng không quá khó chăm sóc, tuy nhiên nó cũng có rất nhiều bệnh cần người trồng chú ý quan sát cẩn thận nếu không sẽ gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng, thậm chí có những bệnh ở cây dứa mà người trồng sẽ không có cách trị. Do đó việc phòng bệnh ở loại cây này ngay khi chuẩn bị cho một vụ mùa mới là điều vô cùng cần thiết và đóng vai trò hết sức quan trọng. Hãy cùng điểm qua một số bệnh phổ biến ở cây dứa cũng như cách phòng ngừa chúng qua bài viết sau đây nhé!
Mục Lục
Bệnh héo đỏ lá trên cây dứa
Tác hại của bệnh héo đỏ lá
Bệnh héo đỏ lá sẽ có thể gây hại cho cả bộ rễ của cây. Căn bệnh này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hút nước và chất dinh dưỡng của cây. Từ đó, bệnh này sẽ làm cho cây sinh trưởng và phát triển kém. Chính vì vậy cây sẽ trở nên còi cọc, có ra trái thì trái cũng nhỏ, khô, ăn không ngon.
Nếu bị hại nặng có thể làm cho cả cây bị héo và chết. Ở Kiên Giang và các tỉnh phía Nam, bệnh thường gây hại nhiều trong mùa khô. Đây là một trong những loại dịch hại gây nguy hiểm nặng trên cây dứa. Chúng gây hại ngày một phổ biến ở những vùng chuyên canh cây dứa trong những năm gần đây. Nhất là đối với giống dứa Cayenne.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh héo đỏ lá dứa do siêu vi trùng Ananas virus gây ra. Chúng lan truyền từ vụ trước sang vụ sau bằng con đường cây giống đã bị nhiễm bệnh từ cây mẹ ở vụ trước. Hoặc bệnh cũng có thể lây lan thông qua côn trùng môi giới truyền bệnh là rệp sáp (Dysmiccocus brevipes và D.neobrevipes). Côn trùng làm lây lan bệnh này bằng cách khi rệp chích hút nhựa của cây bị bệnh ở vụ trước chúng đã hút luôn cả virus gây bệnh. Đến khi chích hút nhựa của cây khỏe (chưa bị bệnh) mới được trồng ở vụ sau rệp đã truyền virus bệnh cho những cây này.
Tương tự như vậy, rệp cũng là tác nhân gây truyền virus từ cây bệnh sang cây khỏe trong cùng một vụ trên cánh đồng. Cứ thế mà tốc độ lây lan của bệnh ngày càng rộng hơn. Bên cạnh đó, bệnh cũng sẽ phát triển ngày càng nhanh hơn nữa. Khi cây dứa đã bị nhiễm bệnh thì sẽ không có thuốc chữa trị. Vì thế, muốn hạn chế tác hại của bệnh chỉ còn cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa là chính.
Biện pháp phòng và trị bệnh héo đỏ lá dứa
Sau đây, là một số biện pháp chủ yếu:
– Không lấy giống ở những ruộng đã bị bệnh hoặc những ruộng có nhiều rệp sáp gây hại.
– Trước khi làm đất cần thu gom hết những tàn dư của cây dứa cũ và những cây ký chủ phụ của rệp sáp trên đồng rộng. Sau đó tiến hành tiêu hủy để diệt rệp. Việc này sẽ giúp ngăn chặn sự lây truyền bệnh qua con rệp từ vụ trước sang vụ sau. Sau đó rải mỗi ha khoảng 25 – 30kg Basudin 5H, hoặc 15kg Basudin 10H để diệt rệp và kiến (sống cộng sinh với rệp).
– Trước khi trồng nên xử lý cây giống bằng cách nhúng gốc cây giống (không để ướt đọt non) vào dung dịch thuốc Supracide-40EC (pha nồng độ 0,1%) với dầu hôi (pha nồng độ 0,4%) và Aliette 80 WP (pha nồng độ 0,25%) trong vòng 3 – 5 phút để tiêu diệt rệp sáp và các nấm gây bệnh cho cây.
– Với những cây đã bị bệnh nặng nên nhổ bỏ rồi tiêu hủy để tránh lây lan bệnh cho cây khác.
– Định kỳ khoảng 2 – 3 tháng một lần dùng một số loại thuốc như Supracide 40ND/EC, Ofatox 300EC, Mospilan 3EC, Suprathion 40ND, Selecron 500EC/ND,… để diệt trừ rệp sáp, hạn chế sự lây lan của bệnh. Khi xịt chú ý xịt kỹ ở các nách lá, gốc cây vị trí rệp thường tập trung ở đây.
– Sau mỗi chu kỳ cây dứa nên luân canh với cây trồng khác khoảng 1- 2 năm.
Bệnh thối nõn thường gặp trên cây dứa
Bệnh thối nõn dứa hiện rất phổ biến ở cây dứa. Căn bệnh này có thể làm chết cây hàng loạt (khoảng 10 – 15%). Có nơi bệnh thối nõn có thể khiến tỷ lệ cây không cho quả lên đến 80%.
Triệu chứng của bệnh thối nõn ở cây dứa
– Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở tim hoa, trong nõn cây, toàn bộ phần gốc lá nõn non mềm bị thối. Lúc đầu, đoạn gốc lá nõn thối có màu trắng đục. Sau đó phần thối màu trắng đục này sẽ chuyển thành màu vàng nâu nhạt. Sau 4-6 ngày, phần gốc lá nõn và đỉnh sinh trưởng của cây bị thối hoàn toàn. Khi cầm vào đầu chót lá rút nhẹ lên, toàn bộ nõn cây rời khỏi thân dễ dàng.
– Bệnh có thể lan nhanh xuống thân và gốc cây. Lúc này, các lá dứa chuyển từ xanh sang xanh vàng rồi vàng đỏ. Còn phần lá khô xám tóp lại, cuối cùng cây sẽ thối và chết dần. Nếu bệnh phát sinh muộn trên những cây đang ra quả non cuống sẽ bị thối, lan sâu vào thịt quả.
– Bệnh phát sinh vào cuối tháng 10, kéo dài tới tháng 4 – 5 năm sau. Bệnh thối nõn này chỉ ngưng phát triển trong tháng 6 – 9. Bệnh sẽ phát triển nhất là ở các đồi dốc, vùng trũng đọng nước, đất thiếu mangan làm cây nhiễm bệnh nặng hơn.
Biện pháp phòng trừ bệnh
– Vệ sinh vườn dứa, tiêu huỷ các cây bệnh trong thời kỳ sinh trưởng và sau thu hoạch. Bên cạnh đó cần tiến hành làm đất kỹ, san phẳng để tránh ứ đọng nước, chối giống lấy ở cây và khu vực không bị bệnh. Xử lý chối giống trước khi trồng bằng cách ngâm trong dung dịch Bayleton.
– Chăm sóc tốt, diệt cỏ dại, bón đầy đủ phân NPK cho vườn dứa. Ngoài ra người trồng cũng cần tiến hành phun bổ sung vi lượng Bo. Những cách này sẽ giúp nâng cao sức chống chịu bệnh cho cây. Nhờ đó mà cây sẽ cho năng suất cao hơn.
– Trồng luân canh dứa với các cây trồng như lạc, đậu đỗ,…
– Tỷ lệ cây nhiễm bệnh nặng chết cao là giống dứa thuộc dòng Queen. Do đó bà con nông dân nên sử dụng các giống dứa Cayenne dể ít nhiễm bệnh hơn.