Cũng như các loại gia cầm khác, đà điểu con có sức đề kháng khá yếu, khi mới nở thân nhiệt của chúng xuống rất thấp. Chính vì vậy, dễ bị các loại vi rút, vi khuẩn tấn công. Đây cũng là lý do đa số các đà điểu con đều bị chết sau khi nở khoảng 2 tuần. Để khắc phục tình trạng trên, tăng tỷ lệ sống lên cao nhất, nhiều hộ nuôi đã thực hiện thành công kỹ thuật úm đà điểu con từ lúc mới nở đến khi chúng trở nên cứng cáp. Sau đây là tổng hợp kỹ thuật úm đà điểu con, bà con hãy tham khảo để duy trì việc chăn nuôi đà điểu được tốt nhất nhé!
Mục Lục
Vị trí chuồng úm đà điểu con
Chuồng úm đà điểu con nên xây xa khu dân cư, xa các đàn gia súc, gia cầm khác. Đồng thời cách biệt với khu vực chăn nuôi đà điểu bố mẹ, đà điểu thịt để tránh dịch bệnh lây lan từ gia súc, gia cầm khác; từ đà điểu trưởng thành sang đà điểu con. Chuồng úm nên xây theo hướng Nam hoặc Ðông Nam để tránh lạnh vào mùa đông và tránh nóng vào mùa hè, bên trên có mái để che nắng, che mưa.
Thiết kế kích thước
Nên xây thành từng phòng riêng biệt, mỗi phòng rộng khoảng 12 – 15 m2 hoặc có thể xây thành một dãy chuồng úm. Sau đó ngăn ra thành từng phòng riêng biệt, mỗi phòng rộng khoảng 12 – 15 m2, cao 2,2 – 2,5 m. Bên trên có mái che để tránh mưa. Mỗi chuồng úm nên bố trí 1 – 2 cửa thông gió; hoặc bố trí quạt thông gió giúp không khí trong chuồng úm luôn thông thoáng, tránh tụ khí độc.
Đệm lót chuồng úm
Nên đổ bê tông, sau đó rải một lớp cát 1,5 – 2 cm và phủ lên trên một lớp đệm lót để nền chuồng luôn cứng vững, thấm nước, ấm áp. Đồng thời giúp đà điểu con không ăn cát. Không nên dùng rơm, trấu, bìa các tông trải dưới nền chuồng úm. Vì sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của đà điểu con. Hơn nữa dùng những chất độn chuồng này đà điểu con có thể ăn phải gây tắc ruột.
Nhiệt độ chuồng úm
Ðà điểu là động vật sống trên sa mạc nên thích hợp với nhiệt độ cao. Với đà điểu 0 – 2 tuần tuổi nên giữ nhiệt độ trong chuồng úm trong khoảng 30 – 360C. Bên trong chuồng úm nên thắp các bóng đèn để giữ nhiệt độ trong chuồng trong phạm vi cho phép. Tùy thuộc vào diện tích chuồng úm mà thắp nhiều bóng hay ít bóng, thắp bóng công suất lớn hay nhỏ.
Tụ khí và thoáng khí
Đà điểu non cần được nuôi trong chuồng úm, nhưng vào những ngày độ ẩm không khí cao; hoặc những chuồng úm có độ thông thoáng kém thì các khí độc hại sẽ tích tụ, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đà điểu non. Vì vậy cần phải mở cửa chuồng úm để thông thoáng và trao đổi khí với môi trường bên ngoài; thắp bóng điện cho nhiệt độ chuồng úm cao. Vào mùa hè nên mở cửa chuồng úm thường xuyên vào ban ngày. Vào mùa đông cần bật hệt hống sấy và có quạt lưu thông chuồng úm.
Điều kiện yên tĩnh
Hệ thần kinh đà điểu rất nhạy cảm, dễ phát sợ kinh động khi có tiếng động lớn, đột ngột hoặc có người lạ mặt. Lúc đó cả bầy dồn tụ lại một chỗ ngóc đầu lên cao, quay về bốn phía như đề phòng hiểm họa. Nếu có sự kinh động mạnh, cả bầy chạy toán loạn và có thể dẫm đạp lên nhau; đâm vào bất cứ chướng ngại vật nào dễ gây chấn thương, rách da hoặc gẫy cổ mà chết.
Đề phòng các vật lạ
Vì đà điểu là loại ăn tạp nên trong khu vực nuôi cần phải dọn sạch các vật như gạch, đá, mảnh thủy tinh, túi bóng hay các vật nhỏ nhọn sắc để tránh cho chúng ăn phải các thứ này, dễ gây tổn thương đường tiêu hoá.
Quy mô đàn và khử trùng
Không nên quá dày sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại và chạy nhảy của đà điểu con. Không nên thưa quá sẽ làm cho đà điểu con lười ăn. Với chuồng úm khoảng 10 – 15 m2 thả khoảng 25 – 30 đà điểu con. Chuồng úm sau khi xây dựng hoặc trước khi úm đàn đà điểu mới nên khử trùng bằng thuốc khử trùng hoặc bằng vôi bột. Tốt nhất nên thay hoặc giặt lớp đệm lót. Ðồng thời thay mới lớp cát trong chuồng úm. Cần khử trùng chuồng úm 10 – 15 ngày trước khi úm đà điểu con.
Ánh sáng và vận động
Với mỗi chuồng úm nên có một sân chơi. Những ngày nắng ấm nên mở cửa cho đà điểu con ra tắm nắng và chơi đùa. Nền sân chơi nên rải cát hoặc nền đất thịt bằng phẳng, khô ráo thoáng mát. Nên cho đà điểu con tắm nắng vào khoảng 8 – 10 giờ sáng và 16 – 18 giờ chiều.
Chế độ dinh dưỡng
Cần phải tươi mới, không có các loại nấm mốc, tốt nhất dùng cám mảnh (cám gà con) để đà điểu con ăn không bị rơi vãi. Khi đà điểu còn nhỏ nên cho ăn cám gà con, khi đà điểu đã lớn có thể cho ăn cám tự chế từ các nguyên liệu có sẵn từ địa phương như ngô, sắn, thóc, cám, đậu tương, bột cá, bột xương. Thức ăn xanh của đà điểu con gồm các loại như rau xà lách, rau muống, các loại cỏ mềm.
Dùng máng ăn bằng nhựa, cao su hoặc chậu sành; không nên dùng các loại máng ăn góc cạnh, sắc nhọn. Máng uống dành cho đà điểu con nên dùng máng nhựa hoặc máng cao su. Máng sành có bề mặt rộng, thuận tiện cho động tác ngậm nước uống của đà điểu. Máng uống nên được đặt cố định và ngang tầm ngực của đà điểu con, tránh việc đà điểu con nhảy vào máng nước. Nên đặt máng ăn và máng uống cách xa nhau, giúp cho đà điểu thường xuyên vận động tăng sức đề kháng.
Những loại thuốc hỗ trợ việc úm đà điểu con
Ðể đà điểu con sinh trưởng, phát triển tốt ngoài các yếu tố về chuồng trại, nhiệt độ, thức ăn, cần bổ sung một số loại thuốc phòng và thuốc bổ như:
- Thuốc úm gà con: Ðà điểu thuộc lớp chim nên có thể nhiễm một số bệnh từ gia cầm. Nên cho thêm vào thức ăn hoặc nước uống một chút thuốc úm gà con để tăng sức đề kháng, phòng tiêu chảy.
- Thuốc điện giải: Vào những ngày nóng bức, khả năng thoát nhiệt, bài tiết của đà điểu con kém. Cần bổ sung thêm thuốc điện giải để giảm stress, tăng sức đề kháng.
- Ðường Gluco: Khi vận chuyển đà điểu con từ phòng ấp sang phòng úm hoặc những ngày hè nắng nóng nên bổ sung thêm đường Gluco giúp đà điểu con khỏe mạnh.
- Canxi: Giúp đà điểu con phát triển hệ khung xương và phòng chống một số bệnh liên quan đến bại liệt.