Hồng là một loại trái thơm ngon với nhiều chủng loại khác nhau, mùa trồng hồng cũng không quá đa dạng nên loại trái cây này mang lại giá trị kinh tế khá tốt cho các hộ nông dân. Nếu muốn trồng cây hồng phát triển một cách khỏe mạnh và mang đến năng suất cao, chất lượng quả tốt để bán có giá thì người nông dân cần biết cách phòng, trị bệnh ngay từ ban đầu cho cây con. Bên cạnh đó theo từng giai đoạn phát triển khác nhau cũng như dựa vào thời tiết mà người nông dân cũng cần có biện pháp phòng tránh và trị bệnh phù hợp cho cây. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này thì tham khảo bài viết chia sẻ cách phòng trừ một số loại bệnh trên cây hồng qua bài viết sau đây nhé!
Mục Lục
Bệnh đốm tròn trên cây hồng
– Tác nhân: Nấm Mycosphaerella naulae.
– Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi xuất hiện cả trên quả. Vết bệnh hình tròn, ở giữa màu nâu, xung quanh viền màu nâu xám nhạt. Vết bệnh già dần sẽ có màu sẫm hơn. Lá bị bệnh sẽ dần chuyển màu đỏ và rụng nhiều, còn quả bị thối. Bệnh đốm tròn trên cây hồng sẽ phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều.
– Phòng trừ: Cách phòng trừ bệnh tương tự với bệnh thán thư.
Bệnh đốm tảo trên cây hồng
– Tác nhân: Tảo Cephaleuros direscens.
– Triệu chứng: Trên các lá bánh tẻ và lá già có các đốm hình tròn màu xanh nhạt, bề mặt có lớp tảo như nhung mịn. Tế bào chỗ vết bệnh thường không bị khô chết, tuy vậy có ảnh hưởng đến quang hợp của cây.
– Phòng trừ: Ngắt bỏ tiêu hủy các lá bị bệnh nặng, phun trừ bằng các thuốc gốc đồng.
Bệnh thán thư – Loại bệnh vô cùng phổ biến
– Tác nhân: Nấm Colletotrichum kaki.
– Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi có trên cành non và quả. Trên lá, vết bệnh lúc đầu sẽ nhỏ, hơi tròn và có màu nâu. Sau lớn lên những vết bệnh này sẽ không có hình dạng nhất định. Thường thì ở giữa vết bệnh sẽ có màu nâu xám nhạt, xung quanh viền nâu thẫm. Bên cạnh đó còn có các hạt nhỏ màu đen là các ổ bào tử.
Trên cành và quả vết bệnh màu nâu, hơi tròn, lõm vào trong vỏ. Ngoài ra trên đó cũng có các ổ bào tử màu đen. Cây hồng bị hại nặng sẽ dẫn đến việc lá khô vàng, quả rụng và thối. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều.
– Phòng trừ: Ngắt bỏ và tiến hành tiêu hủy các bộ phận cây bị bệnh. Phun trừ bằng các thuốc gốc đồng, Dithan-M, Carbenzim, Antracol, Daconil,…
Bệnh cháy lá hàng loạt trên cây
– Tác nhân: Nấm Pestalozia diospyri.
– Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu trên các lá bánh tẻ và lá già. Lúc đầu, vết bệnh sẽ có màu nâu, hình tròn hoặc đa giác. Về sau chuyển màu nâu nhạt, có đường ranh giới rõ rệt với phần xanh của lá, trên đó có những đường vòng màu xám nhạt. Nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau sẽ làm cho lá bị cháy thành mảng lớn.
– Phòng trừ: Ngắt bỏ và tiến hành tiêu hủy các lá bị bệnh nặng. Chăm sóc, bón phân đầy đủ để cho cây hồng có điều kiện sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó cần tiến hành phun trừ bằng các thuốc gốc đồng, Dithan-M, Zineb.
Bệnh chảy gôm hại cây
– Tác nhân: Nấm Gloeosporium kaki.
– Triệu chứng: Bệnh hại trên thân, cành và quả. Vết bệnh lúc đầu là những đốm tròn nhỏ, màu nâu, sau lớn lên và hơi lõm xuống. Trên vết bệnh xì ra lớp mủ màu nâu đỏ, trên đó có các hạt nhỏ màu đen là các ổ bào tử. Cành bị bệnh lá vàng và rụng, có thể khô chết, quả bị rụng và thối. Bào tử xâm nhiễm vào cây qua các vết xây xát.
– Phòng trừ: Cắt bỏ tiêu hủy các bộ phận cây bị bệnh. Đầu và giữa mùa mưa phun đẫm lên cành và thân cây bằng các thuốc trừ nấm gốc đồng hoặc thuốc lưu huỳnh + vôi.
Bệnh giác ban trên cây hồng
– Tác nhân: Nấm Cercospora kaki.
– Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu trên lá cây. Vết bệnh lúc đầu là những đốm tròn nhỏ màu đen, về sau lớn lên có hình đa giác, giữa có màu nâu xám nhạt, xung quanh viền nâu. Ngoài ra, trên những đốm hình đa giác đó còn có những hạt nhỏ màu đen là các ổ bào tử. Cây bị bệnh nặng sẽ có hiện tượng lá bị khô vàng và rụng.
– Phòng trừ: Bà con nông dân nên tiến hành ngắt bỏ tiêu hủy các lá bị bệnh nặng. Sau đó cần phun các thuốc Dithan-M, Carbenzim, Daconil, Zineb,…