Chăn nuôi là một trong những ngành nghề có tuổi đời rất lâu của nông dân nước ta. Mặc dù có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi nhưng việc này chưa bao giờ là dễ. Để có thể chăn nuôi đạt hiệu quả cao, người nông dân có rất nhiều vấn đề cần phải cân nhắc. Chẳng hạn như vốn, bệnh vật nuôi, đầu ra,…. Một trong những vấn đề lớn nhất trong quá trình chăm sóc chính là vấn đề bệnh. Người chăn nuôi phải biết được những bệnh mà vật nuôi hay gặp phải và phương pháp chữa trị cũng như phòng bệnh cho chúng. Cảm nắng, cảm nóng là một tình trạng rất phổ biến mỗi khi trời nắng nóng. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức thường thức về tình trạng cảm nóng, cảm nắng ở vật nuôi.
Mục Lục
Nguyên nhân gây bệnh cảm nắng, cảm nóng
Vào mùa hè thời tiết thường nắng nóng. Nhiệt độ môi trường tăng cao, bức xạ nhiệt lớn. Nó khiến cho quá trình thải nhiệt của vật nuôi bị cản trở. Từ đó dẫn đến thân nhiệt tăng quá mức dễ gây ra bệnh cảm nóng. Tuy nhiên khi để ánh nắng chiếu trực tiếp vào vật nuôi (trâu, bò, lợn) với thời gian dài dễ gây ra bệnh cảm nắng. Nguyên nhân gây ra bệnh cảm nắng là:
– Do gia súc làm việc, chăn thả, vận chuyển dưới trời nắng to và ít gió. Ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, đặc biệt vùng đầu cổ gây ra cảm nắng.
– Do gia súc quá béo hoặc ngay sau khi ăn no bắt làm việc ngay dưới trời nắng nóng.
– Do nuôi nhốt gia súc ngoài trời nắng; chuồng nuôi nhốt hoặc phương tiện vận chuyển chật trội; vận chuyển trong điều kiện thời tiết oi, bức, không khí nóng ẩm, ít gió không lưu thông làm cản trở quá trình thải nhiệt của cơ thể gây ra cảm nóng.
– Gia súc mang thai, quá béo hoặc có bộ lông quá dày cũng là nguyên nhân gây ra cảm nóng.
Vào mùa hè thời tiết thường nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, bức xạ nhiệt lớn khiến cho quá trình thải nhiệt của vật nuôi bị cản trở, dẫn đến thân nhiệt tăng quá mức dễ gây ra bệnh cảm nóng.Tuy nhiên khi để ánh nắng chiếu trực tiếp vào vật nuôi (trâu, bò, lợn) với thời gian dài dễ gây ra bệnh cảm nắng.
Triệu chứng của bệnh
Thân nhiệt gia súc, gia cầm tăng cao (40 – 41 độ C ở gia súc; 43 độ C ở gia cầm),con vật biểu hiện mệt mỏi, mất thăng bằng, choáng váng, chân đi lảo đảo, lúc thở nhanh, lúc thở chậm, tim đập nhanh có khi bị loạn nhịp, đồng tử mắt lúc đầu dãn rộng sau đó thu hẹp, các triệu chứng trên kéo dài từ 30-60 phút.
Đặc biệt ở gia súc có các biểu hiện: Khó thở, mũi banh ra, tĩnh mạch cổ nổi rõ, niêm mạc tím tái, nằm liệt, co giật và bị hôn mê. Trường hợp để gia súc bị bệnh quá nặng nếu không có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời có thể con vật sẽ bị sùi bọt mép, trào máu ra và chết.
Cách điều trị bệnh
Đối tượng là trâu, bò, lợn
Khi chăn thả hoặc vận chuyển bị cảm nắng thì phải cho ngay vào chỗ mát. Hãy dùng khăn mát lau cho con vật, lau từ phần mặt, đầu đến toàn thân. Khoảng 1-2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Chú ý không dùng nước lạnh dội trực tiếp vào vùng đầu, mặt của con vật. Vì như vậy dễ gây sốc, choáng. Đồng thời kết hợp dùng thuốc trợ sức, trợ lực như đường Glucoza, Cafein, Bcomplex và tiêm thuốc hạ sốt Anagin C…. theo hướng dẫn của nhà sản xuất .
Đối với lợn khi vận chuyển bị nắng, nóng : Khi dừng xe phải phun nước mát tắm cho lợn ngay để lợn thải nhiệt. Lưu ý phun nước nhanh. Nếu phun nước chậm, lợn dễ bị chết nóng.
Đối tượng là gia súc, gia cầm
Cần tăng cường thông thoáng trong chuồng nuôi bằng cách phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, hoặc quạt thông gió, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi, đồng thời giảm mật độ nuôi…
Ngoài ra bà con chăn nuôi cần lưu ý: Vào những ngày nhiệt độ môi trường tăng quá cao, không nên cho gia súc, gia cầm ăn quá no. Nhất là gia súc đang mang thai. Tắm mát cho gia súc bằng vòi xịt hoặc dùng hệ thống phun xương, xịt nước lên mái chuồng. Và quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho vật nuôi.
Sau khi con vật bị bệnh cảm nắng, cảm nóng, sức khỏe của vật nuôi sẽ bị giảm. Do đó cần chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Thức ăn đảm bảo vệ sinh thú y và đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc, gia cầm. Nên bổ sung các vitamin, men tiêu hóa, chất diện giải. Mục đích để vật nuôi nhanh chóng bình phục và tránh các bệnh truyền nhiễm kế phát.
Các biện pháp phòng bệnh bà con nên biết
Trước khi vào mùa nắng: Cần kiểm tra, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước và làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm.
Chuồng trại
Chuồng trại phải cao ráo sạch sẽ, thoáng mát, có phên, bạt che nắng xung quanh, chống nóng trên mái chuồng,…..Những ngày nắng, nóng gay gắt phun nước lên mái chuồng và phun sương trong chuồng để hạ bớt nhiệt độ. Chú ý cần tăng cường quạt thông gió. Và khi phun sương phải tránh tăng ẩm độ trong chuồng nuôi. Xung quanh chuồng nên trồng cây xanh tạo bóng mát.
Mật độ nuôi
Giảm mật độ nuôi/m2: cụ thể đối với trâu, bò 6-8 m2/con, lợn nái 3-5 m2/con, lợn thịt 1,5-2 m2/con. Đối với gà nuôi nhốt: Gà thịt 8 – 9 con/m2, gà giống và đẻ trứng 4 – 5 con/m2. Nếu quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng nuôi.
Chế độ chăn
Về chế độ chăn thả (đối với trâu, bò): Buổi sáng chăn thả sớm: 6 giờ thả, 9 giờ về. Buổi chiều chăn thả muộn: 16 giờ thả, 18 giờ về chuồng. Nên buộc trâu, bò ở những nơi có cây xanh bóng mát để trâu bò nghỉ ngơi. Đặc biệt đối với trâu, bò cày, kéo không cho làm việc ngoài đồng vào lúc nhiệt độ ngoài trời quá cao trên 39-40 độ C.
Vấn đề thức ăn và các quy trình chăm sóc
– Cung cấp đầy đủ nước uống sạch, mát cho vật nuôi. Lưu ý bổ sung chất điện giải và vitamin C. Nếu máng uống tự động không cung cấp đủ nước, cần bổ sung thêm máng uống.
– Thực hiện tốt các qui trình chăn nuôi. Từ chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác, vệ sinh thú y và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo qui trình chăn nuôi. Đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn….Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác. Định kỳ phun khử trùng tiêu độc chuồng trại môi trường chăn nuôi 01lần/tuần bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han- Iodine, ViA- Iodine… để diệt mầm bệnh.
– Khi vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng, nóng nên thực hiện vận chuyển vào sáng sớm và chiều mát.
Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có biểu hiện bất thường do nắng nóng, dịch bệnh gây ra./.