Nuôi lợn là một mô hình chăn nuôi được người nông dân chọn nuôi nhiều nhất. Nhu cầu thịt lợn luôn tăng do đó, trên cả nước có nhiều hộ dân lựa chọn mô hình nuôi lợn lấy thịt. Không thể phủ nhận lợn là một trong những con vật đem lại giá trị kinh tế cao nhất nhưng kèm theo đó cũng có nhiều rủi ro. Bởi vì có rất nhiều bệnh ở lợn mà người nông dân phải quan tâm. Nếu lợn mắc bệnh mà không được phát hiện và điều trị đúng cách thì nguy cơ trắng tay sẽ là rất lợn. Bệnh tai xanh ở lợn là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là mối nguy cho hầu hết các trang trại nuôi lợn lấy thịt vì bệnh này lây lan rất nhanh và lợn mắc bệnh sẽ nhanh chóng chết đi.
Mục Lục
Bệnh heo tai xanh là gì?
Bệnh Tai xanh ở lợn hay còn gọi Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS). Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do virut gây ra. Bệnh có tính chất lây lan nhanh và gây chết nhiều lợn khi ghép hoặc kế phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Dịch tả lợn, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng…Đặc trưng của bệnh là gây sảy thai, thai chết lưu ở lợn nái chửa; lợn ốm có triệu chứng điển hình sốt cao trên 40°- 41°C, viêm phổi nặng; đặc biệt là ở lợn con cai sữa viêm phổi chết rất nhanh.
Nguyên nhân gây bệnh tai xanh trên heo
Do virus thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales gây ra. Arterivirus có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA và có 3 chủng:
– Chủng 1 gồm những virus thuộc dòng Châu Âu (độc lực thấp).
– Chủng 2 gồm những virus thuộc dòng Bắc Mỹ (độc lực cao).
– Chủng 3 gồm những virus thuộc dòng Trung Quốc (độc lực cao).
Trong tự nhiên, virus Arterivirus tồn tại khá lâu trong phân, nước tiểu, nước ối, xác chết. Tuy nhiên, virus dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao trên 70 C. Các thuốc sát khuẩn thông thường như formol 2%, nước vôi 10%, iodine 10%. Trong cơ thể heo khỏi bệnh, virus có thể tồn tại 17 tuần vì thế đây là nguồn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Phương thức lây truyền bệnh
– Đường trực tiếp: tiếp xúc với heo bệnh, heo mang trùng với các dịch tiết và chất thải có chứa virus như nước mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu. Đặc biệt bệnh truyền từ heo mẹ sang heo con, heo nái nhiễm bệnh lây lan qua heo con.
– Đường gián tiếp: qua không khí, virus theo gió có thể đi xa hơn 3 km, qua đường phối giống, dụng cụ tiêm chích, dụng cụ chăn nuôi, xe chuyên chở gia súc bệnh từ nơi này đến nơi khác, hay vật môi giới trung gian truyền lây như chim trời, chuột, ruồi, muỗi.
Triệu chứng của bệnh
Triêu chứng trên lợn nái
– Giai đoạn mang thai: sốt cao 40 – 42°C, biếng ăn, sẩy thai vào giai đoạn chửa kỳ 2 hoặc thai chết lưu chuyển thành thai gỗ; nếu ở thể cấp tính tai chuyển màu xanh, đẻ non vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai hoặc thai chết yểu.
– Lợn nái giai đoạn đẻ và nuôi con: ăn ít, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu, chậm chạp hoặc hôn mê, thai gỗ, hoặc lợn con chết ngay sau khi sinh (khoảng 30%). Lợn con yếu, tai chuyển màu xanh (khoảng 5%). Nếu ở thể cấp tính: Lợn nái thường đẻ non, tăng tỷ lệ thai chết, tăng số thai gỗ, chết lưu trong giai đoạn 3 tuần cuối trước khi sinh (có thể tới 30%). Tỷ lệ chết ở đàn con có thể tới 70% ở tuần thứ 3 – 4 sau khi xuất hiện triệu chứng.
– Lợn nái giai đoạn sau cai sữa: lợn nái động dục không bình thường (kéo dài) hoặc phối giống mà không thụ thai, có biểu hiện ho và viêm phổi nặng.
Triệu chứng trên lợn con, lợn thịt, lợn giống
– Lợn con: Lợn thường sốt cao (40 – 42°C), gầy yếu, khó thở, mắt có dử mầu nâu, phần da mỏng như da bụng, gần mang tai thường có màu hồng, đôi khi da có vết phồng rộp, ỉa chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy và thường bị chết.
– Lợn choai, lợn thịt: sốt cao ở nhiệt độ (40 – 41°C), biếng ăn, ủ rũ, ho, thở khó, những phần da mỏng như phần gần tai, phần da bụng lúc đầu màu hồng nhạt, dần dần chuyển thành màu hồng thẫm và xanh nhạt.
– Lợn đực giống: Co biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn hoặc mất tính dục, lượng tinh dịch ít. Các trường hợp cấp tính, lợn đực bị sưng dịch hoàn. Phần lớn lợn đực khi nhiễm vi rút Tai xanh thường không có biểu hiện lâm sàng, nhưng trong tinh dịch có chứa vi rút từ 6 – 8 tháng.
Tìm hiểu về bệnh tích
Khi mổ khám lợn bệnh thấy phổi bị viêm hoại tử và thâm nhiễm. Đặc trưng bởi những đám chắc, đặc (nhục hoá) trên các thuỳ phổi. Mặt cắt ngang của thuỳ phổi bệnh lồi ra, khô. Viêm phế quản phổi hoá mủ ở mặt dưới thuỳ đỉnh, trong phế nang chứa đầy dịch viêm.Thận xuất huyết đinh ghim, não sung huyết, hạch amidan sưng, gan sưng, tụ huyết, lách sưng, nhồi huyết, hạch màng treo ruột xuất huyết, loét van hồi manh tràng.
Về các biện pháp phòng bệnh
Tiêm vaccine
Tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Chẳng hạn như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, Ecoli …theo qui trình chăn nuôi. Ngoài ra người chăn nuôi cần phải thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Chuồng trại sạch sẽ
Trước cổng trại, khu vực chăn nuôi phải có hố khử trùng. Trước cửa vào chuồng nuôi có khay thuốc sát trùng, vôi bột. Hàng ngày thu gom phân về hố ủ. Có hệ thống rãnh thoát nước về hầm biogas. Cần giữ khô nền chuồng, đặc biệt chuồng lợn nái nuôi con và lợn con mới cai sữa. Định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi 1 lần/tuần. Sau khi xuất lợn cần vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi và phun thuốc khử trùng tiêu độc. Nên để trống chuồng nuôi 7 – 10 ngày rồi mới nuôi tiếp.
Đảm bảo dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ
Mỗi dãy chuồng phải có phương tiện, dụng cụ chăn nuôi riêng; trước khi đưa vào sử dụng và sau khi sử dụng phải rửa sạch và sát trùng kỹ. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào khu vực chuồng nuôi phải được rửa sạch và phun thuốc sát trùng, có khu vực riêng để bảo quản và cất giữ các phương tiện vận chuyển dụng cụ chăn nuôi.
Đảm bảo vệ sinh cho người nuôi và khách tham quan
Hạn chế tối đa khách vào thăm quan trang trại, khu chăn nuôi. Đối với các trang trại chăn nuôi qui mô lớn: người chăn nuôi cần thực hiện tốt quy định phòng bệnh của trại; người trực tiếp tham gia sản xuất phải được trang bị bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn lao động; người chăn nuôi không được vào khu chuồng khác khi không có nhiệm vụ; hạn chế điều chuyển công nhân từ khu chuồng này sang khu chuồng khác. Các phương tiện, dụng cụ bảo hộ được sử dụng riêng cho từng khu chuồng nuôi.
Thức ăn
Cho lợn ăn thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng; không dùng thức ăn bị ôi, mốc; cần vệ sinh máng ăn thường xuyên, không để thức ăn còn thừa trong máng. Cần cung cấp đầy đủ nuớc uống đảm bảo vệ sinh thú y.
Đối với lợn mới
Có chuồng nuôi cách ly lợn mới mua trước khi nhập đàn. Mỗi trại, hộ chăn nuôi cần có khu vực nuôi cách ly cho lợn mới nhập. Khu vực nuôi cách ly phải cách xa các chuồng nuôi khác. Lợn giống nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định và còn thời gian miễn dịch; đối với chăn nuôi lợn thương phẩm cần áp dụng phương thức cùng vào và cùng ra; thực hiện nuôi cách ly 15 ngày trước khi nhập đàn.
Đối với các sơ sở chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm, chết có biểu hiện của bệnh tai xanh phải báo ngay cho trưởng thôn, nhân viên thú y cấp xã và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu có dịch xảy ra chủ chăn nuôi phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Pháp luật về thú y và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.