Bơ là một loại quả có độ thơm ngon khó cưỡng lại được và chứa nhiều chất dinh dưỡng nên luôn được người dùng ưa chuộng, do đó mà người nông dân cũng chuộng trồng loại quả này. Tại một số vùng có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp để trồng bơ, cây bơ sẽ có thể trồng được quanh năm và cho trái đều đặn, tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc trồng bơ khá dễ dàng. Ngược lại, cây bơ rất cần được chăm sóc cẩn thận và người nông dân trồng bơ cần có hiểu biết về cách phòng, trừ sâu hại, bệnh hại hay xuất hiện trên cây bơ để cho ra năng suất cũng như chất lượng quả cao nhất.
Mục Lục
Một số loại sâu hại cây bơ
Cây bơ nói chung không bị sâu hại nghiêm trọng. Chỉ có một số số trường hợp có thể bị sâu đục thân, đục cành, bọ trĩ, rệp và nhện đỏ hại lá và quả, mức độ thường nhẹ. Đáng chú ý là loài bọ xít muỗi Helopeltis chích hút chồi non ở vườn ương và cả cây lớn làm chồi bị khô héo. Những loại sâu hại này nên được phát hiện sớm và dùng thuốc phun trừ.
Một số loại bệnh hại phổ biến trên cây bơ
So với sâu hại thì bệnh hại cây bơ thường phổ biến và nghiêm trọng hơn. Các bệnh chủ yếu gồm có:
Bệnh thối rễ nguy hiểm cho cây bơ
Bệnh này do nấm Phytophthora cinnamoni, đây là bệnh nguy hiểm nhất với cây bơ. Bệnh thối rễ xuất hiện có thể làm chết cây và từng mảng vườn. Triệu chứng lúc đầu lá cây chuyển màu xanh nhạt, vàng rồi héo, sau đó một số cành bị khô chết dần, cuối cùng chết cả cây. Đôi khi nấm tạo thành những vết thâm đen ở gốc và thân cây gần mặt đất. Bệnh thường gây hại trên đất nặng, khó thoát nước, độ pH cao.
Phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp:
– Dùng gốc ghép chống chịu bệnh. Biện pháp này rất hiệu quả nhưng thực tế khó áp dụng, do có gốc ghép chống chịu bệnh nhưng tiếp hợp khó khăn. Còn khi có gốc ghép tiếp hợp dễ thì lại chống bệnh yếu.
– Trồng trên đất tơi xốp, thoát nước nhanh, độ pH khoảng 6 hoặc thấp hơn một chút. Nên trồng bơ trên mô đất cao.
– Trồng cây giống không bị bệnh.
– Khi tưới không để nước đọng gốc, nên tưới phun.
– Dùng các thuốc gốc đồng phun đẫm và tưới vào gốc một năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa để hạn chế nấm trong đất.
– Phát hiện trên thân gần mặt đất có những vết thối do nấm thì cạo sạch vỏ chỗ vết bệnh rồi bôi thuốc gốc đồng hoặc các thuốc Mexyl-MZ, Alpine, Ridomil Gold.
Bệnh đốm tím trên lá và quả bơ
Bệnh đốm tím do loại nấm Cercospora purpurea gây nên. Bệnh này xuất hiện sẽ gây ra các đốm tím trên lá và quả. Khi cây bị mắc bệnh này, bà con nông dân có thể tiến hành phun trừ bằng các thuốc gốc đồng, DithanM, Carbenzim, Zineb.
Bệnh thán thư xuất hiện phổ biến
Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gleosporioides. Bệnh gây ra các đốm cháy màu nâu trên lá và quả, có thể làm quả bị thối, nấm bệnh còn làm chết khô ngọn cây. Bạn có thể phòng trừ bệnh thán thư này bằng tỉa cành cho cây thông thoáng, ngắt bỏ tiêu hủy các lá bị bệnh nặng. Bên cạnh đó có thể tiến hành phun các loại thuốc như với bệnh đốm tím.
Bệnh ghẻ sùi trên cây bơ
Bệnh ghẻ sùi do nấm Spacelema perseae gây nên. Bệnh xuất hiện sẽ tạo thành các đốm sần sùi màu nâu trên lá và quả, quả non bị bệnh sẽ khô và rụng. Giống bơ Lula rất dễ bị nhiễm bệnh này. Biện pháp phòng trừ bệnh ghẻ sùi này tương tự như với bệnh thán thư.
Bệnh vàng lá (cháy nắng)
Bệnh vàng lá còn được gọi là bệnh cháy nắng (Sun blotch), bệnh do một loại virus gây nên. Lá cây bị bệnh có những sọc trắng hoặc vàng như bị cháy nắng. Cây có lá bị bệnh vàng lá sẽ sinh trưởng kém, quả ít và nhỏ, chất lượng quả kém. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là chọn cành ghép và cây giống không bệnh.