Bước vào mùa hè, thời tiết diễn biến phức tạp, những đợt nắng nóng với nền nhiệt cao phổ biến 35 – 40 độ C diễn ra rất gay gắt. Đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nắng, nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, có nhiều nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao. Ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi, hiệu quả chăn nuôi thấp và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi cần chuẩn bị tốt các công tác phòng, chống nắng nóng dưới đây, để giảm thiểu tác động do nắng nóng gây hại trên trâu, bò.
Mục Lục
Xây dựng mô hình chuồng trại
– Nên làm chuồng gia súc xa nhà dân, khu dân cư.
– Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tranh, tre, lá để chống được nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện nên làm chuồng theo kiểu chuồng 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng nuôi.
– Có thể trồng thêm một số loại dây leo phủ mái như dây bìm bìm, hoa giấy, giàn muớp,… để làm mát.
– Hệ thống che chắn xung quanh chuồng cũng nên làm bằng lá, tranh tre tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong những ngày nắng nóng thường có những trận mưa đột xuất. Nhất là về đêm thì cần nhanh chóng che chắn để đảm bảo cho bò không bị nhiễm lạnh đột ngột.
– Tăng cường trồng các loại cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.
– Mái hiên cách mặt đất tối thiểu 2 m, nền chuồng đảm bảo cao ráo dễ thoát nước, làm theo hướng Đông Nam là tốt nhất.
Chú ý hệ thống chống nóng cho chuồng nuôi
Hệ thống quạt thông gió
Nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc. Mục đích của quạt là làm giảm ẩm độ các khí CO2, NH3,… có trong chuồng nuôi. Quạt treo từ trần chuồng thổi gió xuống dưới hiệu quả chống nóng thấp. Vì thường thổi khí nóng từ mái chuồng xuống gia súc. Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt thông gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.
Hệ thống giàn mưa, phun ẩm
Nên làm hai hệ thống phun mưa trong chuồng nuôi và trên mái chuồng là tốt nhất. Hệ thống phun mưa trong chuồng nuôi lắp cách mặt nền khoảng 2,5 m. Để trực tiếp phun nước làm giảm nhiệt độ nóng trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể bò. Hệ thống giàn mưa trên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to khi nhiệt độ bên ngoài trời lên cao trên 35 – 40 độ C. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.
Chế độ dinh dưỡng cho trâu, bò
Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao. Cơ thể gia súc phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi đó, thường bỏ ăn, bỏ uống nhiều. Cần phải thực hiện một số biện pháp sau:
– Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin…, tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần.
– Những đợt nắng nóng kéo dài, cho ăn gia súc ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Đảm bảo cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò từ 15 – 35 kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 – 2,5 kg/con/ngày). Đối với bò sữa thì lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát, sạch cho gia súc uống.
Lưu ý khi chăm sóc trâu, bò vào mùa nắng nóng
– Mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 1 – 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể. Chú ý đối với bò sữa nên tắm trước hoặc sau khi vắt sữa 2 – 3 giờ.
– Thời gian chăn thả gia súc: buổi sáng từ 6h00 – 9h00; buổi chiều chăn thả muộn từ 16h00 – 18h00. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có bóng mát.