Bệnh viêm loét ở dê là một trong những căn bệnh truyền nhiễm, khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hiện tại ở Việt Nam, thời gian vừa qua bệnh này cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh,… Nó gây nên khá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của các hộ chăn nuôi. Bởi căn bệnh này có tốc độ lây nhiễm khá cao. Điều đáng nghiêm trọng hơn nữa đó chính là bệnh viêm loét ở dê có thể lây nhiễm sang cơ thể người. Vậy để cho mọi người có thể hiểu rõ hơn về chứng bệnh truyền nhiễm này, hãy cùng chúng tôi theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé.
Mục Lục
Thông tin về bệnh viêm loét miệng
Nhiều năm qua việc phát triển ngành chăn nuôi dê chưa được quan tâm chú ý. Người dân chăn nuôi dê chủ yếu là nuôi quảng canh tận dụng chăn thả kết hợp. Thiếu kiến thức kỹ thuật, thiếu đầu tư, chăm sóc và phần lớn giống dê là dê cỏ địa phương nên năng suất thấp. Đối với dê, ngoài bệnh ký sinh trùng, bệnh truyền nhiễm cũng thường xảy ra gây thiệt hại kinh tế không nhỏ, đó là các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm loét miệng truyền nhiễm… Trong đó, bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm là bệnh lây lan nhanh, mạnh và lây sang người. Vì vậy, phòng trị bệnh này là việc cần quan tâm.
Bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm do một loại virus (parapox virus) gây bệnh chung cho dê và cừu, đặc điểm chủ yếu là bệnh tích nổi mụn ở môi và miệng. Virus xâm nhập vào dê qua chỗ da bị trầy xước hoặc niêm mạc, do cây cỏ nhọn sắc gây xây xát ở miệng, thuận tiện cho virus nhiễm vào. Sự lây lan cũng còn do bàn tay con người chăm sóc, các dụng cụ… Tỷ lệ mắc bệnh ở dê thường tới 100%. Tỷ lệ chết do đói hoặc bệnh thứ phát có thể tới 20%. Dê trưởng thành thường mắc bệnh nhẹ. Những con non hay con gầy yếu thường chết do không ăn được; nếu thời tiết xấu, những con trưởng thành cũng có thể chết nhiều. Dê mới chuyển vùng, nhất là dê con dễ cảm nhiễm bệnh hơn.
Virus dễ bị sức nóng tiêu diệt nhưng chống đỡ được lâu khi bị khô. Một tháng sau khi lành bệnh, còn tìm thấy virus trong những mảnh thượng bì tróc ra, phơi nắng 42 giờ vẫn chưa diệt được chúng. Những vảy rơi xuống đất có thể là nguồn truyền bệnh quan trọng cho những con khác trong thời gian vài tháng hoặc thậm chí một năm sau.
Triệu chứng và bệnh tích của bệnh viêm loét ở dê
Bệnh thường bắt đầu ở môi rồi lan nhanh xuống cằm và đầu mũi. Bắt đầu, da sưng lên rồi thành những mụn đỏ có mủ, có phản ứng ở hạch dưới hàm (nóng, đau). Mụn nổi một cách liên tục, hay từng đợt nối tiếp, kéo dài chứng 10 ngày. Những mụn đỏ lan rộng và ngày càng dày lên, bọc một đám cứng. Và làm môi dày lên khó cử động, lỗ mũi bị hẹp lại. Con vật lấy và nuốt thức ăn khó, đau nên thường bỏ ăn, chảy dãi, lỗ mũi bị bịt kín chất nhầy, thở khó.
Các mụn đỏ có mủ dễ thành những u như chất sừng, hình bắp cải súp lơ, dễ tán thành bột, hoặc có mủ chảy nước, những u này nổi rõ vào ngày thứ 20. Những bệnh tích như thế có thể thấy ở bờ mi mắt, vành hậu môn, mép âm hộ, nếp đuôi, vú, bìu… Ở phần chân, co những đám như mụn cóc, dính đất, chảy nước, chảy máu. Bệnh tích ở chân thường do con vật lấy chân gãi môi. Bệnh tích ở những chỗ khác phần lớn là ở những vết thương do cây nhọn có dính virus chọc vào.
Các vết loét có thể xuất hiện ở lưỡi hoặc ở niêm mạc miệng, được phủ một lớp bựa trắng. Dê đau, kém ăn, chảy dãi có mùi hôi. Trường hợp này dễ bị nhiễm trùng thứ phát. Những biến chứng nguy hiểm nhất là: viêm dạ dày, ruột, viêm cuống phổi và phổi. Bệnh tiến triển trong 4-6 tuần lễ, giai đoạn viêm đến ngày thứ 5, giai đoạn mụn mủ và vảy từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 15, rồi thành u thịt. Khi bệnh nhẹ con vật có thể khỏi trong 3 tuần lễ.
Biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh
Những con vật bị bệnh một lần thì được miễn dịch. Nhưng lại không di truyền tính miễn dịch cho đời con. Vì bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không có hiệu lực. Nhưng các loại kháng sinh lại có tác dụng đối với bệnh thứ phát xuất hiện. Thực hiện cách ly những con ốm. Tránh bệnh lây lan do bụi. Chăn dắt súc vật theo những đường riêng. Bỏ những đồng cỏ đã nhiễm bệnh. Chuồng, dụng cụ, thân thể súc vật phải được vệ sinh khử trùng. Nền chuồng phải cào đất, hun lửa. Sau khi khỏi bệnh, tắm cho súc vật bằng nước pha hóa chất sát trùng (cloramin-B, virkon…)
Một số dung dịch sát trùng được dùng để rửa các vết loét ở môi, miệng của những con mắc bệnh như: thuốc tím 0,05%, có thể sử dụng Ecthymatocid (hỗn hợp pha chế bởi 40ml cồn Iốt 20% và 20g bột Tetra hoà với 1 lít mật ong) để bôi vào vết loét 2-3 lần/ngày. Cho dê ăn những thức ăn mềm, non và bồi dưỡng bằng các vitamin A, B… Và một điều cần chú ý rằng: người dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với con vật bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi, điều trị, xử lý dê bệnh nên đeo găng tay và sát trùng cẩn thận sau khi tiếp xúc, chăm sóc dê ốm, dụng cụ…
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi
Điều trị bệnh viêm loét
Điều trị cục bộ
- Cạy bong vết thương, dùng khăn sạch. Và nước muối sinh lý rửa sạch vết thương.
- Dùng chanh, khế… sát vào vết loét, sau đó dùng xanh methylen bôi vào vết loét; hoặc có thể dùng dung dịch Iod-Tetran bôi vào vết loét ngày 2 – 3 lần.
- Những dê có triệu chứng nhiễm trùng kế phát thì phải dùng kháng sinh như: streptomycin, tetracyclin, ampicillin, penicillin, amoxylin… Hoặc các thuốc kháng sinh dạng mỡ bôi vào vết thương cho dê.
Điều trị toàn thân
- Điều trị toàn thân bằng thuốc khi bị nhiễm trùng kế phát nặng.
- Thuốc kháng sinh có thể dùng: Gentamycin, Streptomycin + penicillin, Amoxylin, Ceftiofor…Tiêm bắp thịt, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Trợ sức, trợ lực: Tiêm trợ sức trợ lực bằng các thuốc bổ: Catosal, Biocatosal, Metosal, Canxi B12, Vitaplex…Truyền đường 10 – 20% cho dê trong trường hợp bỏ ăn hoàn toàn (bổ sung VTM C, Cafein, Urotropin)
- Trường hợp dê bị viêm vú thì phải dùng kháng sinh điều trị viêm vú cho dê.