Nuôi trồng thủy sản trong hồ tự nhiên hay nhân tạo, nước ngọt hay biển, đòi hỏi phải có kỹ thuật và thiết bị phù hợp. Ngày nay, đã có rất nhiều phương pháp được thử nghiệm thành công và mang lại hiệu quả năng suất lớn cho người nuôi. Một trong số đó là kỹ thuật nuôi ghép. Loại hình canh tác này đã và đang được áp dụng nhiều nhất cho việc nuôi cá chạch đồng với cua đồng. Nhờ có phương pháp này, người nuôi trồng thủy sản có thể thu được số lượng lớn khi thu hoạch lại tiết kiệm khá nhiều thời gian. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về mô hình kỹ thuật nuôi này và áp dụng cho trang trại của bạn nhé!
Mục Lục
Điểm tương đồng giữa cá chạch đồng và cua đồng
– Chạch đồng có tập tính thích sống chui rúc vào trong bùn. Trong tự nhiên cá chạch đồng sống đáy, ở khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương, ưa nước sạch. Nuôi cá chạch đồng sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ 15-30 độ C, thích hợp nhất là 25-27 độ C. Cỡ thương phẩm từ 25-30g/con, chiều dài 13-15cm, con to nhất có thể đạt 100g/con dài 20cm. Cá hô hấp bằng mang và da. Khi nước thiếu oxy cá có thể lên mặt nước đớp không khí, thực hiện việc trao đổi khí trong ruột. Sau đó khí được thải qua hậu môn ra ngoài.
– Cua đồng bò dưới đáy mặt nước và đào hang để sống hoặc chui rúc vào các bụi, rễ gốc cây thủy sinh. Cua có khả năng bò trên cạn và di chuyển rất xa. Mỗi lần lột xác trọng lượng của cua tăng từ 20-50% trọng lượng có thể.
– Hai loài này đều có đặc điểm chung là ưa hoạt động về đêm. Chúng không thích ánh sáng mạnh nên ban ngày chỉ ở trong hang hoặc rúc dưới bùn. Chúng ít khi ra ngoài, chỉ khi trời tối chúng mới ra ngoài kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu của chúng là tôm, tép, cá tạp, giun, ốc, ngũ cốc… Nhiệt độ nước có thể sinh trưởng và phát triển từ 20-30 độ C, tốt nhất từ 25-27 độ C, độ pH từ 6,5-8. Vào mùa mưa (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm), chạch đồng và cua đồng sinh trưởng, phát triển mạnh và sinh sản nhiều.
Chuẩn bị môi trường nuôi phù hợp
Lựa chọn ao nuôi
– Bờ ruộng cần chắc chắn, bằng phẳng, giữ nước tốt, cấp thoát nước thuận lợi. Xung quanh ruộng nuôi cần được che chắn bằng nilon hoặc lưới cước chôn sâu xuống khoảng 30 – 40 cm và cao lên 40 – 50 cm tính từ mặt bờ ruộng. Bốn góc lượn hình cung để phòng tránh cua và cá chạch đi ra ngoài khi trời mưa làm ngập bờ.
– Diện tích ruộng nuôi: 3.000 – 5.000m2. Đào mương bao quanh và mương giữa. Mương bao quanh chân bờ sâu 0,8-1,0m, rộng 3-5m. Nếu ruộng rộng, đào thêm ở giữa ruộng hình chữ thập (+) hoặc hình song song (#) rộng 1-1,5m, sâu 0,5-0,8m. Tổng diện tích cả 3 loại mương chiếm khoảng 15-20% diện tích đất ruộng.
– Mục đích của việc đào mương trũng trong ruộng là để tạo nơi trú ẩn cho chạch đồng và cua đồng khi thời tiết nắng nóng, lạnh hoặc thay đổi bất thường của môi trường.
– Nếu có điều kiện thì làm thêm bờ phụ cho chạch và cua đào hang trú ẩn. Bờ phụ rộng khoảng 1m, cao hơn mặt nước lúc cao nhất từ 30-40 cm. Trên bờ rắc hạt điền thanh để cua và chạch tránh nắng, rét khi nhiệt độ bên ngoài môi trường thay đổi. Vì vậy bờ phụ càng rộng và chắc chắn thì sau này khi điền thanh tốt, bộ rễ phát triển, gió không làm bờ bị lật đổ. Đồng thời chạch đồng và cua đồng cũng ít làm ảnh hưởng đến bờ chính xung quanh ruộng nuôi. Tùy theo hình dáng và kích thước ruộng nuôi mà có thể làm bờ phụ dạng hình chữ thập (+) hoặc hình song song (#).
Thiết kế ao nuôi
– Bờ ruộng phải được làm cao và to. Chú ý nén đất chặt để tránh nước bị rò rỉ. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre hoặc lưới cước thích hợp, nền cống phải đầm chặt.
– Trồng các loại thực vật như bèo, rau muống, lục bình,… khoảng 1/3 diện tích mặt nước để cua và cá chạch trú ẩn khi trời nóng hoặc lạnh. Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.
– Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành tát cạn nước để diệt hết địch hại của chạch, cua và tiêu diệt mầm bệnh bằng cách bón vôi 7-10 kg/100m2, phơi nắng 3-5 ngày. Sau đó cấp nước vào nhưng không cho nước tràn lên ruộng. Chỉ khi nào đến thời kỳ lúa sắp làm đòng mới cấp nước vào ruộng cho cua lên ruộng tìm thức ăn.
– Tiến hành gây màu nước bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả.
Phương pháp chọn giống
– Chạch đồng: khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150-200 con/kg, sáng bóng, không mất nhớt. Chúng bơi lội hoạt bát, không bị trầy xước. Không nên mua ở chợ nếu không để ý dễ mua nhầm phải chạch đã bị kích điện, xương sống tổn thương, chạch vẹo mình, khi nuôi không lớn và làm giảm hiệu quả kinh tế.
– Cua đồng: khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150-160 con/kg. Chọn con không gãy càng, còng, mai sáng bóng, không bị đóng rong.
– Mật độ thả ghép cua đồng và cá chạch đồng từ 10 – 15 con/m2. Trong đó: cua 10 con/m2, chạch 5 con/m2
Kỹ thuật thả giống
– Mùa vụ thả thích hợp là tháng 3-4 hàng năm. Thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
– Mật độ thả ghép chạch đồng và cua đồng: 20 con/m2 là phù hợp, trong đó:
+ Chạch đồng: 16 con/m2.
+ Cua đồng: 4 con/m2.
– Chỉ cần thả giống 1 lần, các vụ sau không cần thả thêm. Bởi vì chạch đồng và cua đồng sẽ tự sinh sản trong ruộng nuôi.
Phương pháp chăm sóc và quản lý ao nuôi
Quy trình chăm sóc
– Cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 0,1– 0,2 m, tại mương nuôi từ 0,6-0,8 m. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho se mặt khoảng 2 – 3 ngày. Sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho chạch không bị các mầm bệnh tấn công.
– Tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có như ốc bươu vàng. Nguồn thức ăn này rất tốt bởi hàm lượng đạm trong ốc bươu vàng khá cao. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn: tôm, tép, cá tạp xay, bột cá, cám gạo, cám ngô, lúa chét, bột sắn…
– Có thể tự chế biến thức ăn dạng viên hỗn hợp gồm: lúa xay + bột cá + ốc bươu vàng. Sau đó cho vào máy ép thành viên phơi sấy để cho chạch đồng và cua đồng ăn dần.
– Sau thả giống 1-2 ngày tiến hành cho chạch và cua ăn. Lúc đầu cho ăn rải đều khắp ruộng, sau đó thu hẹp dần diện tích cho ăn. Cuối cùng cho ăn ở 1 vài điểm cố định trong ruộng để chạch đồng và cua đồng ăn quen, thuận lợi cho quá trình thu hoạch sau này.
Phương pháp quản lý ruộng nuôi
– Định kỳ 10 – 15 ngày dùng vôi với liều lượng 10 – 20 kg/ 1000m2 hòa với nước ao để xử lý sát trùng nước. Đồng thời ổn định pH ao nuôi và ngăn ngừa các loại bệnh ký sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe cua, chạch.
– Vào đầu mùa mưa hoặc những ngày mưa bão liên tục dùng vôi với liều lượng 10 – 20 kg/ 1000m2 rải đều khắp bờ ao. Thường xuyên kiểm tra hệ thống ao nuôi như kiểm tra cống thoát nước, lưới rào quanh bờ… Đặc biệt là vào những tháng mưa gió và bão lũ kết hợp với việc vệ sinh bờ ao.
– Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi cá chạch đạt 50 – 55 con/kg, cua đạt 45 – 50 con/kg có thể tiến hành thu hoạch. Nếu thu tỉa, đặt rọ có chứa mồi ở vị trí cho ăn vào thời điểm chiều tối hôm trước. Sáng hôm sau vớt rọ thu những con đạt, những con nhỏ thả xuống tiếp tục nuôi. Nếu thu toàn bộ cá chạch đồng, trước khi thu hoạch ngừng cho ăn 1 – 2 ngày. Rút nước từ từ để chạch đồng bơi theo dòng nước. Ở chỗ cống thoát nước đặt lưới hoặc rọ để thu hoạch. Khi thu hoạch cần chọn những con to khỏe hoặc đang mang trứng nuôi tiếp để cho chúng sinh sản lấy giống cho vụ nuôi tiếp theo.