Dê thường được người chăn nuôi gọi là “Bò của người nghèo”. Dê là loại vật nuôi rất quan trọng trên các vùng đất khô hạn. Bạn không phải tốn quá nhiều vốn để có thể nuôi dê. Bạn chỉ cần một khu đất vừa với số lượng dê mà bạn định chăn nuôi. Giữa dê và các loại vật nuôi gia súc gia cầm khác, thì nuôi dê sẽ ít gặp rủi ro hơn. Dê là loài vật nuôi có khả năng chống lại bệnh tật rất tốt. Chúng chỉ cần một thời gian ngắn để phát triển và mang lại doanh thu nhanh chóng cho người nuôi. Mặc dù nó không dễ mắc bệnh nhưng vẫn có lúc nó bị bệnh. Một căn bệnh thường gặp ở dê, đó chính là bệnh ghẻ. Để có thể trị bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo các cách sau.
Mục Lục
Vài nét về loài vật dê
Dê là loài động vật nhai lại, chân có móng thuộc họ Bovidae. Chúng là loài gia súc, có sau chó và có lẽ cùng thời với cừu, được nuôi để lấy thịt dê, sữa dê và da dê. Đây là giống gia súc có khả năng sinh sản cao, cho nhiều thịt, mắn đẻ. Và là một đối tượng của việc chăn nuôi gia súc lấy sữa. Dê sinh sống ở khắp nơi, từ những vùng nóng như châu Phi đến những vùng lạnh như châu Âu, từ vùng đồng bằng cho đến vùng đồi núi.
Bệnh ghẻ ở dê có những đặc điểm nào?
Bệnh ghẻ là một bệnh mãn tính thuộc nhóm bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi dê. Và có ba dạng do các loài ghẻ khác nhau gây nên gồm ghẻ đầu (có thể lan truyền toàn thân) do Sarcoptes rubicaprae gây ra (gọi là ghẻ sarcoptic); ghẻ chân, vú, bìu dái, vùng bẹn và đôi khi ở lưng và cổ do Chorioptes caprae gây ra (gọi là ghẻ chorioptic); ghẻ tai do Psoroptes cuniculi gây ra (gọi là ghẻ psoroptic).
Bệnh xảy ra quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa Đông xuân khi khí hậu ẩm ướt, chuồng trại ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện thu gom chất thải hàng ngày. Bệnh lây lan trong đàn do tiếp xúc giữa con bị bệnh và con khỏe mạnh. Hoặc tiếp xúc với mầm bệnh tại chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi. Bệnh ghẻ thường kết hợp với bệnh nấm da làm cho tình trạng bệnh càng nặng và phải tiến hành điều trị lâu dài.
Bệnh ghẻ không gây chết nhưng làm cho dê sinh trưởng, phát triển kém. Hơn nữa, nó dễ kế phát các bệnh truyền nhiễm khác. Sau khi điều trị, dê thường phục hồi chậm so với dê không bị ghẻ.
Khi dê mắc bệnh sẽ có những biểu hiệu sau
Ban đầu xuất hiện các nốt sần sùi, đặc biệt là ở trên đầu. Dê có biểu hiện ngứa và thường cọ sát vào thành chuồng, hàng rào hoặc thân cây. Một số dê phát triển bệnh nặng hơn ở dạng viêm da quanh mắt và tai, trên cổ và ngực, phía trong bẹn và bầu vú. Ngoài ra còn có thể thấy các lớp vẩy, loét trên da, thường ở tai, chân sau, bầu vú, bìu dái và khu vực xung quanh. Dê thường cúi liếm các lớp vẩy loét ở chân sau.
Các phòng và trị bệnh ghẻ ở dê
Khi mua dê cần chọn ở những đàn dê không bị bệnh, dê khỏe mạnh, da căng, lông bóng mượt. Chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, thông thoáng, sàn chuồng dễ thoát phân và dễ làm vệ sinh. Hàng ngày thực hiện vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải để ủ phân sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong chất thải. Định kỳ phun sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng. Khi dê bị bệnh cần tách riêng để điều trị bằng một trong các phương pháp sau:
Phương pháp 1
– Hàng ngày bôi cồn I-ốt hoặc xanh metylen lên vùng da bị bệnh để diệt mầm bệnh và tránh nhiễm trùng kế phát.
– Xoa mỡ Ô-xít kẽm và Ketamicin lên những vùng da bị bệnh vừa điều trị ghẻ và nấm da.
– Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
– Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.
Phương pháp 2
– Dùng nước xà phòng để rửa bong sạch vẩy trước khi điều trị (ngoài ra có thể dùng nước lá trầu không hoặc lá xoan ta (cây sầu đông) vò nát hòa nước và xoa lên vùng da bị bệnh).
– Sử dụng huyễn dịch bột lưu huỳnh, dầu ăn và Amitraz 0,05%, điều trị 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
– Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
– Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.